• Trang chủ

Chương 3 - Thực hiện công trình cứu độ

Chương III - THỰC HIỆN CÔNG TRÌNH CỨU ĐỘ
"Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các Ngôn sứ ; nhưng đến thời sau hết, Người đã phán dạy chúng ta qua Người Con"
Bài 6 - HỒNG ÂN CỨU ĐỘ
I. Cộng đoàn Do Thái lâm nguy :
Trong hai thế kỷ cuối, cộng đoàn Do Thái bị thử thách trước mưu toan Hy Lạp hóa vùng Palestin. Họ chung đụng trực tiếp với chủ nghĩa Hy Lạp với những tư tưởng, tín ngưỡng và phong tục Hy Lạp đang lan tràn khắp miền đông Địa Trung Hải. Đền thờ Giêrusalem và Garazim được dâng cúng cho thần Zéus. Người Hy lạp cấm giữ luật cắt bì và các luật Môisen, bắt dân lỗi luật ngày Sabat, buộc dân tế lễ cho thần ngoại. Các sách đạo của Môisen bị xé và đốt, ai còn giữ cuốn nào mà bị bắt gặp thì bị án tử (2Ma 10,5). Một số người đứng lên dưới sự lãnh đạo của gia đình Macabê.
Nhờ hoàn cảnh khó khăn với những thăng trầm : Israel đã nhận ra Thiên Chúa vô cùng siêu việt, Ngài không bị lệ thuộc vào một vùng đất, Dân Ngài phải thực hiện đời sống đạo hoàn hảo. Trước những bắt bớ giết hại, dân xác tín việc thưởng phạt và sự sống đời sau.
Sống trong cảnh nô lệ, bị áp bức, niềm khát vọng Đấng Cứu Thế càng thiết tha : “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng Công Chính, đất hãy mở ra và làm phát sinh Đấng Cứu Tinh trần gian”.
II. Bình minh ơn cứu độ:
Cộng đoàn Do Thái lúc gần ngày Chúa Giáng Sinh vẫn mang tâm tư phức tạp với niềm trông đợi Đấng Cứu Độ.
1) Tâm trạng chung:
+ Quần chúng : hy vọng được giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma.
+ Giới cầm quyền: gồm 3 nhóm (Sadducê, Pharisiêu, Essenien).
- Nhóm Sadducê: thuộc hàng tư tế thượng cấp, thỏa mãn về đời sống hiện tại sung túc, ít nghĩ đến Đấng Cứu Thế. Để củng cố địa vị, họ thân quen với chính quyền Rôma. Về giáo lý: họ không tin sự sống đời sau, linh hồn bất tử, không tin thiên thần hay ma quỷ.
- Nhóm Pharisiêu (biệt phái) : Đa số là giáo dân, đứng đầu là các luật sĩ. Họ chú trọng việc giữ chay ngày Sabat, việc thanh tẩy theo luật,... Tin vào sự sống lại, thưởng phạt,... Tuy nhiên, nhóm biệt phái quá chú trọng đến hình thức nên làm tổn thương đến tinh thần đạo đức chân chính.
- Nhóm Essenien : sống thành cộng đoàn nam giới trong sa mạc với nếp sống tu trì khổ hạnh, chỉ mong được cứu độ.
2) Những tâm hồn công chính trông đợi Đấng Cứu Thế:
Có thể kể: Giacaria, Elizabeth, cụ già Siméon, bà Anna, Thánh Giuse, Đức Maria,...Tâm hồn những “người nghèo của Giavê” luôn nhớ “thân phận thấp hèn” của mình, chỉ dám cậy dựa vào lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa và ân huệ nhưng không của Ngài.
3) Thời viên mãn :
“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”.
Niềm vui khởi đầu từ ngày truyền tin: “Hãy vui lên hỡi người đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà”, hạnh phúc làm Gioan nhảy mừng và nhiều người vui sướng vì việc cậu sinh ra. Niềm vui oà vỡ trong ngày lễ Giáng Sinh, các Thiên Thần hát mừng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Tin mừng không chỉ dành cho Israel mà còn cho muôn dân: “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã Giáng Sinh trong thành của Đavid”, các đạo sĩ phương Đông vui mừng tìm đến thờ lạy.
Ngôi Hai Thiên Chúa mang thân phận con người, sống nếp sống ẩn dật 30 năm tại Nazareth “phục tùng hai ông bà”, trước khi lên đường rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
III. Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa:
Gioan tẩy giả rao giảng những điều kiện phải có để đón nhận Nước Thiên Chúa là sám hối, mà phép rửa là cụ thể đồng thời phải canh tân đời sống.
Gioan còn là người tiền hô để giới thiệu Đấng Cứu Thế: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian”; “Gioan đến làm chứng cho ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1,7).
Ngay từ những ngày đầu đời sống công khai, Đức Giêsu đã rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Những phép lạ Ngài làm là những dấu chỉ sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, ách thống trị của Satan và tội lỗi bị phá hủy. Các môn đệ cũng lãnh sứ mạng công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu dùng rất nhiều dụ ngôn để nói về Nước Thiên Chúa: những tương phản của Nước Trời (không thể quan sát nhưng cũng lộ diện như lúa với cỏ lùng, đón nhận mọi dân tộc và không lệ thuộc dân tộc nào,...). Những giai đoạn kế tiếp của Nước Thiên Chúa (hạt giống, men, lúa và cỏ lùng,...), khởi đầu nơi trần gian và hoàn tất mỹ mãn trên trời. Điều kiện để vào: vì Nước Trời là một hồng ân cao quý nên phải trả giá, giá cao. Phải ý thức rằng đây không phải là vấn đề công lao và lương bổng, vì chính Thiên Chúa tự do kêu mời thợ làm vườn nho, khách dự tiệc,... nhưng vì là hồng ân nên phải có tâm tình đáp trả xứng hợp.
IV. Giáo hội – Dấu chỉ Nước Trời:
1) Bày tỏ về mầu nhiệm Nước Trời:
Để bày tỏ về mầu nhiệm Nước Trời, Chúa Giêsu đãtuyển chọn nhóm 12 Tông đồ để các ông được sống với Ngài và được Ngài sai đi loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Con số 12, theo Cựu ước: dân Thiên Chúa có 12 tổ phụ. Vì Đức Kitô bắt đầu thiết lập Israel mới nên Ngài muốn có 12 người thay thế 12 tổ phụ, con của Giacop. Điều này cho thấy ý định thành lập: một dân mới, một Israel mới (một cái gì vĩnh viễn).
Sau lời tuyên tín của Phêrô tại Xêsarê-Philiphê, Chúa Giêsu tuyên bố xây dựng Hội Thánh trên nền tảng đó. Nhưng Hội Thánh thực sự phát sinh do cuộc tự hiến hoàn toàn trên thập giá của Đức Kitô cho ơn cứu độ : như Eva được tạo hình từ xương sườn của Adam khi ông đang ngủ, Hội Thánh cũng phát sinh từ trái tim bị đâm thâu của Đức Kitô trên thập giá.
Hội Thánh chính thức ra mắt toàn dân vào ngày lễ Hiện xuống: Phêrô ngỏ lời với đám đông thuộc nhiều dân tộc khác nhau (Cv 2), mỗi người đều nghe Tin Mừng trong tiếng mẹ đẻ của mình. Và kết quả là ngay trong ngày hôm đó lối 3000 người đón nhận lời Thiên Chúa.
a. Thời các Tông đồ:
Khởi từ những người Israel và lan rộng đến khắp các dân tộc dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần : “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý, không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung...” (Cv 4,32). Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn (Cv 4,34). Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến nhà thờ. Khi làm lễ tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ..., được toàn dân thương mến.
Các Tông đồ thực hiện nhiều dấu lạ, điềm thiêng nhân danh Chúa Giêsu, các ngài hiên ngang rao giảng Chúa Giêsu chết và Phục Sinh để cứu độ nhân loại, các ngài hân hoan được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì Danh Đức Giêsu.
b. Giáo hội trước những vấn đề thời đại:
+ Giáo hội sơ khai : bắt đầu với người gốc Do Thái, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, qua những kinh nghiệm cụ thể : Giáo hội sơ khai lần lần thoát ly khỏi khuôn khổ đạo Do Thái. Việc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại và nhất là việc họ nhập cộng đoàn sơ khai gồm toàn người gốc Do Thái, buộc người ngoại phải tuân giữ luật của cộng đoàn Do Thái, cụ thể là nghi thức cắt bì trước khi cho nhập đạo ? Công đồng Giêrusalem (năm 48-49) dạy rằng không nên đặt ách nặng như thế lên cổ dân ngoại. Các Tông đồ đã xác tín hơn về hiệu quả của sự Chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu.
+ Cộng đoàn ngày càng đông: vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm bị bỏ quên. Vì thế các Tông đồ lập chức Phó tế để lo việc phục vụ, bác ái.
+ Vấn đề đối phó với “thế giới” thù nghịch: trước những cấm cách, bách hại, các Tông đồ phân tán đi khắp nơi để loan báo Tin Mừng. Các ngài không chùn bước, kinh hãi, nhưng hiên ngang làm chứng về Chúa Giêsu: “Tôi biết tôi đã tin vào ai”; “Tôi cho mọi sự là thua thiệt, là phân bón trước cái lợi tuyệt vời là biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi”. Các ngài không ngần ngại nói về Đức Kitô: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Khi cần phải minh chứng bằng chính mạng sống của mình các ngài cũng không tiếc. Tuy bị hành hạ, xỉ nhục, các ngài tha thứ và cầu nguyện cho họ theo gương Chúa Kitô: “Lạy Chúa xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60).
2) Đức Maria trong chương trình cứu độ:
Đối với Giáo hội, vai trò của Đức Maria không tách biệt với cuộc hiệp nhất của Mẹ với Đức Kitô. Đức Maria hiệp nhất với Con trong công trình cứu độ ngay từ phút thụ thai, đặc biệt trong cuộc thương khó của Chúa.
Sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ đã cùng các Tông đồ cầu nguyện chờ đón Chúa Thánh Thần đến. Sau cùng, Trinh Nữ Vô Nhiễm được nâng lên vinh quang trên trời cả hồn và xác, được tham dự đặc biệt vào cuộc hiệp thông của Con và tiên báo cuộc Phục Sinh của mọi tín hữu.
Mầu nhiệm của Đức Maria là mầu nhiệm của “người đã cưu mang Thiên Chúa trong tâm trí trước khi cưu mang trong thân xác” (J.Léo). Mẹ là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên mãn, là niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lữ hành trần thế.
Bài 7 - THÔNG PHẦN ƠN CỨU ĐỘ
I. Giáo hội lữ hành:
Sau khi Chúa Giêsu về trời thì Hội Thánh do Ngài thiết lập tiếp tục công việc cứu chuộc nhân loại cho đến ngày tận thế : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Làm phép rửa cho họ Nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28,19-20)
1) Nhiệm vụ Giáo huấn:
Chúa Kitô trao cho Hội Thánh nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn dân Chúa, Ngài sẽ ban ơn và bảo vệ để dân Chúa được hướng dẫn đúng. Ơn vô ngộ được ban cho Đức Giáo Hoàng: khi ngài dùng quyền Tông đồ để dạy về những gì phải tin (Đức tin) và phải giữ (Luân lý). Ơn này cũng được ban cho các Giám Mục khi hội công đồng chung hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng hay cho toàn thể Hội Thánh khi đồng lòng tin nhận điều gì về đức tin hay luân lý.
2) Nhiệm vụ Thánh hóa:
Hội Thánh không những có sứ mệnh loan báo ơn cứu độ nhưng còn được trao ban những phương tiện để giúp con người đạt đến ơn cứu độ nhờ phụng tự, đặc biệt là các Bí tích, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ.
3) Nhiệm vụ cai quản:
Đức Giêsu trao cho Hội Thánh quyền lướt thắng Satan và đem sự sống cho loài người (chữa bệnh, trừ quỷ...), quyền năng phải kể trước tiên là đón nhận người vào cộng đoàn (nhân danh Thiên Chúa ban cho họ làm con Thiên Chúa, cho họ được tham dự vào sự sống Thiên Chúa qua bàn tiệc Thánh Thể, tái lập sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và loài người, thu hẹp vương quốc của tội lỗi, của Satan,...).
Hội Thánh chân chính bộc lộ qua bốn thuộc tính: duy nhất, thánh thiện, phổ biến, tông truyền. Hội Thánh không tự mình đạt được bốn thuộc tính này nhưng do Đức Kitô trao ban và Ngài mời gọi Hội Thánh thể hiện từng phẩm tính này.
Kinh Thánh diễn tả Hội Thánh bằng nhiều hình ảnh và danh hiệu như là : Dân Thiên Chúa, Nước Trời, Hiền Thê và Nhiệm thể của Đức Kitô...
II. Các Thánh thông công:
Các tín hữu nhờ Bí tích Thánh tẩy được sát nhập vào Chúa Kitô, thuộc về dân Thiên Chúa, được mời gọi thi hành sứ mạng Chúa trao. Tùy hoàn cảnh riêng của mỗi người, tùy tác vụ (Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ, Giáo dân) để xây dựng Hội Thánh.
Vì Chúa Kitô đã kết hợp các tín hữu thành một nhiệm thể mà Ngài là đầu, nên tất cả được hiệp thông với nhau trong một tình yêu và một sự sống.
Các thánh thông công có nghĩa là "hiệp thông trong các sự thánh và hiệp thông giữa những người thánh".
+ Hiệp thông trong các sự thánh (Đức tin, Bí tích, Đức ái, đặc sủng,...)
+ Hiệp thông giữa những người thánh:
- Các tín hữu tôn kính, cầu xin các Thánh cầu bầu cho họ trước mặt Chúa.
- Các tín hữu dâng việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn trong luyện ngục và các linh hồn cầu bầu cùng Chúa cho ta.
- Các tín hữu còn sống thông công với nhau: vì lời cầu nguyện và đời sống thánh thiện của mỗi người đều có ảnh hưởng đến những người khác.
Con đường lữ thứ của Giáo hội sẽ đưa tới vinh quang khi Chúa Kitô trở lại trong huy hoàng. Đang khi chờ Chúa đến, Hội Thánh do Người sáng lập, tiếp tục công trình cứu độ của Chúa trong mọi tâm trạng và tư thế sẵn sàng nghinh đón Chúa.
III. Hoàn tất lịch sử cứu độ:
Đó là ngày tận thế, ngày mà sự chết và tội lỗi bị hủy diệt. Sự chết và âm phủ cùng với Satan sẽ bị khai trừ vĩnh viễn. Đó là ngày bắt đầu một cuộc sống mới:
- Mầu nhiệm Chúa Kitô được tỏ bày trọn vẹn.
- Hội Thánh đạt tới sự viên mãn hoàn toàn của Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa được thiết lập vĩnh cửu: Vương quyền của Chúa Kitô được thực hiện trọn vẹn.
Đó là ngày lịch sử cứu độ hoàn tất và hồng ân cứu độ được đem đến cho thế giới, cho vũ trụ, cho toàn diện con người.
- Xác sẽ sống lại vinh quang: “Ngài sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài” (Pl 3,21); “Gieo trong hư hoại, sống lại trong bất hoại ; gieo xuống thì hèn hạ mà chỗi dậy thì vinh quang ; gieo xuống là thân thể có sinh khí mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,42).
- Muôn loài muôn vật sẽ được giải thoát khỏi cảnh hư nát: “Cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên xiết và quằn quại như người sắp sinh nở” (Rm 8,22), để đến lúc vui sướng vì người con đã được sinh ra. Trời mới đất mới sẽ xuất hiện.
- Giáo hội chờ đón Chúa đến trong vinh quang như người vợ ngóng chồng, như người lính thủy trên tàu sắp chìm mong được cứu vớt, như người mẹ hiền mong ngày trở về của đứa con thân yêu.
Theo Hiến chế phụng vụ: “Lịch sử cứu độ là mầu nhiệm Đức Kitô, mầu nhiệm luôn luôn hiện diện và hoạt động ở giữa chúng ta, nhất là trong các cử hành Phụng vụ” (số 35).
Đầu mối, trung tâm và cùng đích của toàn thể lịch sử loài người đều ở trong Đức Kitô..., dưới những sự thay đổi có nhiều điều tồn tại vì dựa trên nền tảng cuối cùng là Đức Giêsu Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi (HCMV số 10).