• Trang chủ

18. Huấn luyện đội kiểu mẫu & thành lập Đoàn TNTT


Để thiết lập Giáo Hội nơi trần gian, việc đầu tiên Chúa làm là qui tụ những kẻ tin, tuyển chọn 12 Tông Đồ, đặt Phêrô làm đầu, huấn luyện họ trong 3 năm rồi mới sai họ đi giảng dạy muôn dân. Trong xã hội chúng ta ngày nay, khi muốn thành lập một tổ chức, một hội đoàn thì việc gì phải làm trước? Kết nạp các thành viên hay tổ chức cán bộ? Để thành lập một Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể chúng ta cũng không thể vội vàng mà phải chuẩn bị kĩ càng. Công việc đầu tiên cần làm là: Tham khảo các tài liệu và trao đổi về Thiếu Nhi Thánh Thể, ít là một số anh chị Giáo lý viên ghi danh tham dự các Sa mạc Huấn luyện Huynh trưởng cấp I, II, III và Huấn luyện đội kiểu mẫu.
I. THẾ NÀO LÀ ĐỘI KIỂU MẪU 
Đội kiểu mẫu là một nhóm những em được tuyển lựa trong các lớp giáo lý, được huấn luyện kĩ càng trước sẽ là những người giữ vai trò đội trưởng đội phó, làm nòng cốt cho Đoàn sau này.

II. ÍCH LỢ I CỦA ĐỘI KIỂU MẪU 
-    Tổ chức huấn luyện đội kiểu mẫu là trực tiếp cho trẻ và các Huynh trưởng làm quen với phương pháp hàng đội, một phương pháp tổ chức giáo dục thiếu nhi hiệu quả để  phát huy hết năng lực của trẻ, được phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể sử dụng trong việc điều hành Đoàn, đã mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp.
-    Huấn luyện đội kiểu mẫu rất có lợi cho việc điều hành Đoàn, vì khi các em được huấn luyện kĩ càng sẽ có thể chia sẻ công việc điều hành Đoàn, đảm trách việc điều khiển đội. Công việc chung trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ và các em sẽ trưởng thành hơn.
-    Huấn luyện đội kiểu mẫu tốt, theo đúng đường lối của phong trào sẽ có được những Tông đồ đội trưởng năng động, tích cực như thế là chúng ta đã chuẩn bị cho đội ngũ  kế thừa sau này vì các em đội trưởng thành thạo trong công việc điều khiển đội thì nhất định sẽ là một Huynh trưởng giỏi trong tương lai.
-    Việc giáo dục trẻ là công việc thường xuyên và kéo dài nhiều năm tháng. Thực hiện đúng mục đích của phong trào là đào luyện các em trở thành những con người kiện toàn và những Kitô hữu hoàn hảo, chúng ta không thể vội vàng, làm cho có hình thức. “Dục tốc bất đạt”. Nguyên tắc giáo dục cho trẻ là kiên nhẫn, tiệm tiến và vui tươi.
III. CÁCH TIẾN HÀNH
A. LẬP ĐỘI KIỂU MẪU:
1.  Cách tổ chức:
Với sự đồng ý của cha xứ, ít là một số anh chị Giáo lý viên ghi danh tham dự các Sa mạc Huấn luyện Huynh trưởng cấp I, II, III. Rồi từ cộng đoàn Giáo lý viên cùng nhau học tập về phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, nếu muốn có thể mời các Huynh trưởng Hiệp đoàn hay Liên đoàn đến giúp để khích lệ tinh thần các em.
Khi đã tương đối nắm những điều cơ bản về Phong trào, các Huynh trưởng – Giáo lý  viên sẽ bàn bạc với Cha Tuyên úy về cách chuyển đổi và ngày giờ thực hiện.
Rồi khởi từ các lớp giáo lý, giới thiệu cho các em về phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, nói rõ về dự tính lập Đoàn.
2. Tuyển chọn:
Sau một vài buổi sinh hoạt chung, qua quan sát và góp ý của các anh chị phụ trách lớp, tuyển chọn một số em lanh lợi, nổi bật, có sức vóc để tham gia vào đội kiểu mẫu. Tập họp các em và nói rõ về chương trình, cách học, thời gian, địa điểm học và xúc tiến ngay việc huấn luyện đội kiểu mẫu.
3.  Chương trình học:
Chương trình huấn luyện đội kiểu mẫu kéo dài khoảng 2 tháng. Các em mặc đồng phục (cũng có thể mặc thường phục) nhưng mang khăn quàng, họp đội, Đoàn theo đúng những sinh hoạt chính thức của Thiếu Nhi Thánh Thể. Đội trưởng có nhiệm vụ phân chia các chức vụ cho mỗi đội viên đảm trách.
-    Chương trình Phong trào cơ bản, kĩ năng.
-    Thuật điều khiển đội: vai trò, nhiệm vụ đội trưởng, phân công, hành chánh, cách họp đội….
-    Thực hiện nếp sống đạo đức: thực hiện hoa thiêng, chầu Thánh Thể, chia sẻ Lời Chúa…
-    Tham dự sa mạc 1-2 lần để thực hành điều đã học, tập sống chung với nhau (nên có những buổi sinh hoạt ngoài trời, dã ngoại, giao lưu,… để các em thêm phấn khởi, thắt chặt tinh thần đồng đội và học tập lẫn nhau).
-    Chuẩn bị địa điểm, tài liệu giảng dạy, cờ Đoàn, đội, khăn quàng…
-    Sau khi các em học xong chương trình, thực hiện việc khảo sát lý thuyết và thực hành (Việc kiểm tra không quá gắt gao nhưng cũng đừng lỏng lẻo). Những em đạt yêu cầu sẽ được tuyên hứa.

B. THÀNH LẬ P ĐOÀ N
Hiện nay rất nhiều giáo xứ đang chuyển dần từ các lớp Giáo Lý đoàn ngũ hoá thành Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Một vài nơi chuyển mình chỉ bằng hình thức cho các em mặc đồng phục và đeo khăn quàng một cách vội vàng. Có thể chấp nhận đây chỉ là bước đầu rồi phải huấn luyện cho các em trở thành Thiếu Nhi Thánh Thể đích thực bằng không việc hình thành Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể chỉ mang tính hình thức và  việc mặc đồng phục chỉ là trình diễn thời trang.
Việc thành lập Đoàn không nên quá nóng vội, cần có thời gian chuẩn bị (tốt nhất là  một năm, ít ra cũng là 3 tháng).
*   Được sự chấp thuận của Cha chính xứ, Cha đặc trách thiếu nhi. Lên kế hoạch cho các Huynh Trưởng tìm hiểu về Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể qua sách vở, các Sa mạc Huấn luyện, hoặc mời các trưởng trong Liên đoàn đến trao đổi, tìm hiểu thêm.
*   Huấn luyện đội kiểu mẫu.
*   Sau khi đã có đội ngũ Tông đồ đội trưởng. Chúng ta phân ngành cho các em theo các lớp Giáo lý, trong mỗi lớp lại chia các em thành đội, mỗi đội 8-10 em (nếu là ngành Ấu, Thiếu), 7-8 em (nếu là ngành Nghĩa). Cử 2 em đã học Tông đồ làm đội trưởng, đội phó. Các em còn lại ta sẽ chia vào làm nòng cốt cho đội. Hai ba đội thành một Chi đoàn, do 1 Huynh trưởng – Giáo lý viên phụ trách.
Bước đầu các em vẫn mặc thường phục, chỉ các Huynh Trưởng, Tông đồ đội trưởng mới mặc đồng phục. Thực hành nghiêm tập với cả Đoàn, tập các bài ca chính thức, bài ca ngành, cách chào, mười điều luật Thiếu Nhi.
*   Chuyển từ ban điều hành Giáo lý thành ban quản trị Đoàn, làm đơn xin thành lập Đoàn gửi về Liên Đoàn (có mẫu sẵn), nhận giấy bổ nhiệm thư của Cha Tuyên Úy Liên Đoàn.
*   Tiến hành lễ ra mắt Đoàn, Cha Tuyên Úy công bố ngày thành lập Đoàn. Các em chính thức mặc đồng phục đeo khăn quàng.
Tất cả các giáo lý viên sẽ tuyên hứa Huynh Trưởng (những ai chưa qua sa mạc sẽ trả nợ sau), tân Ban quản trị tuyên thệ nhận chức và nhận bổ nhiệm thư.
Điều 10 Nội quy Thiếu Nhi Thánh Thể nêu rõ: “Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể là một phong trào lựa chọn, được thành lập để giúp thiếu nhi nên người, nên Tông đồ và nên Thánh”. Một Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nếu được khởi đầu và xây dựng vững chắc, tuy chậm nhưng sẽ đem lại thành công tốt đẹp và mang lại nhiều hiệu quả trong việc giáo dục thiếu nhi..
 [Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 2]