• Trang chủ

17. Những yêu cầu về người lãnh đạo


“…Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20, 25-28) 
 
I. AI LÀ NGƯỜI LÃNH ĐẠO? 
Người lãnh đạo là người dẫn đường cho kẻ khác. Vậy người lãnh đạo, theo nghĩa rộng, không chỉ riêng người có chức tước lớn (như Chủ tịch, Tổng thống…), nhưng bất cứ ai có  ảnh hưởng trên người khác, làm việc và lôi cuốn người khác theo mình đều có vai trò lãnh đạo. Cha sở, Phụ huynh, Giáo viên, Giáo lý viên, Huynh trưởng đều là người lãnh đạo.

II.      NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO 
1. Lãnh đạo là dẫn đường. Do đó người lãnh đạo phải “biết đường”. Tùy theo trách nhiệm mà người lãnh đạo phải BIẾT những “Đường” khác nhau. (Cha sở phải biết nhiều về  Giáo lý, Thánh Kinh, thần học, giáo luật…; Phụ huynh phải rành về đời sống gia đình, giáo dục con cái…. Huynh trưởng phải biết nhiều về các tổ chức, giáo lý, kiến thức phong trào, kỹ năng chuyên môn…).
2. Muốn dẫn đường tức muốn các em theo mình, Huynh trưởng phải được các em tin tưởng. Muốn được các em tin, Huynh trưởng phải gắn bó với Đấng là đường và là  người chỉ đường, đồng thời Trưởng phải tin nơi lý tưởng mình đang theo đuổi, Trưởng phải dồn hết khả năng và tâm huyết cho công việc mình đang theo đuổi.
3.  “Ngày nay người ta không ưa những lời nói hay nhưng tin các chứng nhân” Huynh trưởng không chỉ có nhiệm vụ dẫn dắt các em bằng lời nói, mà còn bằng đời sống gương mẫu của chính mình. Để được như vậy, Huynh trưởng phải vượt thắng được chính mình, nỗ lực sống tinh thần Tin Mừng, vì không có lời giáo huấn nào hiệu quả cho bằng gương sáng. Vậy Huynh trưởng phải nỗ lực tiến đức, cố gắng làm chủ bản thân.
4. Huynh trưởng phải có cái tâm rộng, có lòng quảng đại bao dung, không tìm lợi ích riêng mình, nhưng là phục vụ vô vị lợi.
Nếu vì lợi ích, thì đó là lợi ích cho các em, cho sự phát triển lòng đạo đức và những đức tính của các em. Nếu có vinh danh, thì đó là để vinh danh cho Chúa.
5. Lãnh đạo là việc khó khăn và lâu dài, Trưởng không làm việc theo kiểu “mì ăn liền”. Vì khó khăn, nên phải cương quyết trước nghịch cảnh, thất bại; Vì lâu dài, nên phải kiên trì, bền đỗ.
6. Lãnh đạo có nhiều cấp. Muốn các em vâng phục mình, Huynh Trưởng phải vâng phục cấp trên cách sáng suốt và mau mắn để làm gương cho các em.
7. Huynh trưởng phải biết lắng nghe, lắng nghe để biết những nhu cầu, khát vọng chính đáng của các em hầu đáp ứng.
8. Phong trào qui tụ các em để giáo dục. Huynh trưởng phải là người xây dựng sự đoàn kết giữa các em. Đồng thời cũng phải đoàn kết chân tình với những người cộng tác. Huynh trưởng không được là nguyên nhân của sự chia rẽ, bè phái, trái lại phải trở nên trung gian hòa giải, là chất kết dính để liên kết mọi người. Trong tập thể, Huynh trưởng thiên vị, lập bè phái là “tự sát”.
9. Lãnh đạo cần sự nghiêm minh. Nghiêm mà không minh là độc đoán, là mầm mống của tinh thần tiêu cực và chống đối.
10.Lãnh đạo phải công bằng. Huynh trưởng phải tôn trọng các em và mọi người, nhất là  người khác phái. Trẻ sống nhiều bằng trực giác, chúng dễ dàng nhận ra thái độ thiên vị của trưởng. Đối xử bất công là nguyên nhân của sự chia rẽ và tan rã.
11.Lãnh đạo phải thẳng thắn, nhưng cũng phải tế nhị trong việc làm và lời nói nhất là lời khen, chê …Khen quá đáng, người được khen ngượng ngùng; khen không tới mức, người được khen thất vọng. Chê quá đáng, người bị chê bất mãn; chê với lòng thù hận, hẹp hòi, người chê bị coi thường. Dù khen hay chê, đều phải đúng mực và tế nhị. Khen hay chê đều nhằm mục đích giáo dục, tuyệt đối không nhằm tâng bốc hoặc trù dập.
12.Phong trào giúp các em thăng tiến. Huynh trưởng biết tận dụng mọi cơ hội để giúp các em ngày thêm trưởng thành: sẵn sàng trao trách nhiệm và tạo điều kiện cho các em hoàn thành. Huynh trưởng không sợ các em hơn mình, trái lại, phải mong mỏi và khích lệ cho đàn em khá lên bằng hoặc hơn mình càng tốt. Huynh trưởng đừng trở thành “kỳ đà cản mũi”
13.Lãnh đạo là người phải biết, nhưng không phải làm hết. Huynh Trưởng giỏi biết phân công hợp lý; biết trao việc vừa sức cho các em, tin tưởng các em, trợ giúp các em thi hành bổn phận.
14.“Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy...”. Huynh trưởng phải quan sát, tìm ra những “nhân tài” trong Đoàn để huấn luyện thêm nhằm tạo ra người kế  thừa, thay thế mình khi vắng mặt. Huynh trưởng giỏi không là người độc tôn, nhưng biết chuẩn bị và giúp người khác làm tốt hơn mình.
15.“Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta”. Huynh Trưởng phải biết những người cộng tác về tính tình, khả năng, gia cảnh, khuyết điểm, ưu điểm, sở thích và năng khiếu của từng người để dùng người đúng lúc, đúng nơi, đúng việc.

III. NHÀ LÃNH ĐẠO LÝ TƯỞNG: ĐỨC GIÊSU KITÔ 
Hãy tìm học nghề lãnh đạo nơi Chúa Giêsu, vị Lãnh Đạo Tối Cao, vị Lãnh đạo bậc thầy trên hết các thầy của chúng ta.
Theo Chúa Giêsu, lãnh đạo là:    Phục vụ anh em
Làm đầy tớ anh em
Hy sinh cho anh em
Là Huynh Trưởng, những nhà lãnh đạo trẻ, cần xét xem:
-    Tôi đã và đang thuộc loại người lãnh đạo nào
-    Tôi sẽ là nhà lãnh đạo theo khuôn mẫu nào
-    Tôi đã có được bao nhiêu điều kiện cần và đủ để trở thành nhà lãnh đạo, cho dù là nhà  lãnh đạo “bỏ túi”
Xem ra lãnh đạo là việc khó. Nhưng xin nhớ không ai sinh ra, lớn lên đương nhiên trở thành nhà lãnh đạo. Tất cả đều phải học tập và phải trả giá.