• Trang chủ

BÀI 17: TRƯỞNG THÀNH [P.6]


36/17: Phải có lòng tự trọng. Cụ thể:

- Không sống lệ thuộc vào người khác. Do đó, hãy bằng lòng với những gì đang có, không đòi hỏi người xung quanh. Tốt hơn nữa, là tìm cách giúp người chung quanh (x Lc 3, 10-14).
- Mau mắn xin lỗi nếu lỡ làm phiền ai (x Mt 26, 75).
- Biết nhường bước cho người khác. Thánh Phaolô dạy: “Ai làm điều tốt cũng được, miễn là điều tốt có người làm là tôi lấy làm vui mừng” (x Pl 1, 15-18)
- Sống môi trường nào cũng phải là men, là muối, là ánh sáng cho nơi đó (x Mt 5, 13-16).
- Sống thể hiện đúng cương vị của mình: Bố ra bố, mẹ ra mẹ, thầy khác trò, Linh mục khác giáo dân(x Mt 16, 13).

37/17: Đừng dùng của cải một cách vô ý thức.Cụ thể:
Những vật dụng của ta đừng qúa sang trọng làm cho người nghèo xung quanh cảm thấy tủi thân.Bởi vì phần lớn nỗi đau khổ của người nghèo gia tăng là họ thấy người giàu dùng tiền của phung phí, vô ý thức(x Lc 16,19-21).

Nói tắt:
Tất cả những gì ta có chỉ là phương tiện cho ta phục vụ đạt hiệu quả cao, chớ khi nào tỏ ra vẻ sang giàu để khoe khoang với người xung quanh.

38/17: Bỏ thói thống trị kẻ dưới, loại trừ hành động vũ phu, đừng sống kiểu “cả vú lấp miệng em”.
Thống trị là áp đặt người khác làm nô lệ cho mình.Kiếp nô lệ là kẻ thù của Tin Mừng, Hội Thánh trong nhiều thế kỷ đầu dùng chân lý Tin Mừng để xóa kiếp nô lệ. Bởi vì nô lệ là con đẻ của “ba cô vợ ngoại hôn” trong nhân loại:
-Nô lệ là đem thân phục vụ chủ để trả món nợ không thể trả nổi.
-Nô lệ là kẻ thất trận bị bắt làm tù binh.
-Nô lệ là con cái của hai loại người trên.
Chúa Giêsu nói: “Anh em là con Thiên Chúa, con cái của sự tự do, không phải là con kẻ nô lệ” (x Ga 8, 34-36).
Có hai thầy trò cùng sánh bước trên một con đường dài, song song với đường đó là một con sông: chốc chốc thầy lôi trò xuống sông dìm đến sặc nước, rồi lại tiếp tục lên đường. Sau một hồi, thầy hỏi trò: con đã nhận ra được bài học thầy dạy con chưa? Trò giơ chân đạp thầy qụy xuống và nói: đây là bài học con đã thuộc! Đúng là “tức nước vỡ bờ!”
Thánh Phaolô khuyên người có chức quyền biết cách cư xử với mọi người: “Ðừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha. Hãy coi các thanh niên như anh em. Các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch”(1Tm 5,1-2)

39/17: Loài người không ai được quyền độc tài, chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền đó mà thôi, bởi chỉ có Ngài là Tình Yêu (x 1Ga 4, 8). Chúa độc tài vì muốn ta phải tùng phục Ngài, để có chân lý, để có tình yêu, vì ngoài Chúa Giê-su không có ai được cứu độ (x Cv 4, 12).
Bởi đó, Chúa không cho phép ta thờ phượng bất cứ một thần tượng nào ngoài Ngài (x Điều răn I). Ngài có quyền ép người ta vào dự tiệc của Ngài (x Lc 14, 23).
Vậy Thiên Chúa độc tài để dẫn ta đến sự sống dồi dào (x Ga 10, 10).

40/17: Bỏ tính lẩm cẩm. Vì lẩm cẩm là người không biết phân biệt điều chính điều phụ, và làm gì cũng cho là quan trọng nhất. Kết quả không công việc nào đạt yêu cầu, bởi vì không ai đủ giờ để làm trọn mọi công việc. Do đó, người lẩm cẩm làm gì cũng chậm chạp, vì để giờ chi phối vào quá nhiều việc không cần thiết.

41/17: Đừng a dua. Là người sống đức tin và đức ái, không thể chấp nhận những thành ngữ dân gian thường nói:
- “Không có lửa sao có khói?”
- “Thế gian không ít thì nhiều, không ai đặt điều nói không”.
Bởi vì trong thực tế:
- Nhiều khi có khói mà không có lửa. Cụ thể lúc ta xem ca sĩ đứng trên sân khấu hát, ta nhìn một làn khói bốc lên, hoặc khi ta nhìn cô dâu chú rể khai tiệc cưới, họ đổ rượu trên một chồng ly cũng thấy khói bốc lên, những làn khói ta thấy như thế thì không phải do lửa mà có.
- Nhiều khi một rừng người nhất trí, mà nhất trí điều họ không tưởng. Cụ thể vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, không ai tìm ra tội trạng nào của Đức Giêsu, nhưng ai cũng nói: Tên Giê\su là Beelzebul, tướng quỷ. Rõ ràng chiều Thứ Sáu Tuần Thánh cả loài người sai lầm, một mình Đức Giêsu nắm trọn chân lý. Bởi đó ngày Thứ Sáu Tuần Thánh chỉ một mình Đức Giêsu hô lớn tiếng: “Ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Cũng chính vì vậy mà Đức Giêsu cảnh báo mọi người: “Coi chừng điều các ngươi nghe” (Lc 8,18).