• Trang chủ

BÀI 17: TRƯỞNG THÀNH [10]


55/17: Phải chọn chân lý trên hết:


Ông Philatô hỏi “Chân Lý là cái gì?” Chúa Giêsu trả lời: “Lời tôi là Chân Lý, ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37-38).
Nên bất cứ điều gì không có trong Kinh Thánh, không có trong Giáo Huấn của Hội Thánh, thì chưa chắc đó là chân lý, không chắc là sự thật. Bởi thế ta chớ nói “Tự Do cao quý nhất”. Vì Chúa dạy: “Sự sống con người mới cao quý nhất , giá trị mọi vật trong vũ trụ cộng lại còn thua xa sự sống con người (Mt 16.26).
Vậy “Hãy hành động như những người tự do, không phải như những người lấy sự tự do làm màn che gian ác” (1Pr.2, 16).

56/17: Kẻ nào mà ta biết chắc họ không muốn đón nhận chân lý, ta phải cư xử thế nào?
Ta phải thực hành lời Chúa dạy: “của Thánh đừng cho chó, châu ngọc chớ quăng trước bầy heo: kẻo chúng lấy chân đạp mất, và quay lại chúng cắn xé các ngươi” (Mt 7,6) và “Ai không nghe chân lý thì đừng để bụi nơi họ bám vào chân các ngươi” (Mt 10,14)
Thánh Gioan nói: “Ai đến với anh em mà không đem theo mình giáo huấn của Chúa, anh em đừng tiếp nó vào nhà, cũng đừng có chào hỏi nó; vì ai chào hỏi nó là thông công vào những việc xấu xa của nó” (2Ga.10-11). Thánh Phaolô còn dạy gắt gao hơn nữa: “Chúng ta phải nộp con người đó cho satan, để phần xác nó bị huỷ diệt, còn phần linh hồn được cứu thoát trong ngày của Chúa” (1 Cr.5,5).

57/17: Ý thức ta vừa là “chủ” vừa làm “nô lệ”.

Ta là chủ: ý thức trách nhiệm của mình đối với người khác, cũng như ý thức việc bổn phận của ta phải làm cho chu đáo và hoàn hảo. Vì ta phải trả lẽ trước mặt Chúa về việc bổn phận Chúa đã trao cho (x Ez 33, 7-9).

Ta làm nô lệ:Ý thức phục vụ theo tinh thần của Đức Giêsu dạy (x Ga 13,1-20).
Bởi vì nếu quên mình làm nô lệ, chỉ tự đắc mình là chủ thì rất khắc nghiệt đối với người khác; còn nếu quên mình làm chủ, chỉ muốn làm nô lệ, thì dễ bị người ta sai khiến làm bậy.

58/17: Đừng lạm dụng quyền tự do của mình mà gây cớ vấp phạm cho người khác.
* Thánh Tông Đồ dạy:

- “Anh em đừng lạm dụng quyền tự do của anh em, để nên dịp vấp ngã cho kẻ yếu đuối, vì như thế là anh em phạm đến Đức Ki-tô” (1 Cr 8,9.12).
- “Đừng làm cớ vấp phạm về một điều gì, để công việc phục vụ khỏi bị đàm tiếu” (2 Cr 6,3).

* Chúa Giêsu kết án: “Kẻ nên cớ vấp phạm cho một người nào trong các kẻ bé nhỏ đã tin vào Ta, thì thà nó bị khoanh cối đá lừa kéo vào cổ nó, và nhận chìm đáy biển còn hơn” (Mt 18,6)

59/17: Khi nghe dư luận nhận định về một người, ta phải nhớ bốn điều:

a- Người đó tốt xấu đều có. Do đó, nếu chỉ nghe điều tốt, hoặc chỉ nói điều xấu về người đó, là bất công!

b- Người phàm chỉ thấy điều lộ trước mắt, còn Thiên Chúa nhìn ẩn đáy lòng (x 1Sm 16,7). Do đó người phàm dù tưởng đã biết rõ, thì trong đó vẫn có điều lầm.

c- Có nhiều người tìm cách hại Đức Giêsu, vì họ luôn nghĩ xấu về Ngài. Nhưng ông Nicôđêmô sau khi đã được đối thoại với Ngài qua một đêm (x Ga 3), ông đã lên tiếng nhắc nhở cho các đối thủ của Đức Giêsu: “Lề Luật của chúng ta có phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (Ga 7,51).

Vài chứng từ sau đây cho ta suy nghĩ :
-Cha Don Bosco bị Đức Tổng Giám mục Ricacardi cấm làm Lễ và giải tội.
-Thánh nữ Maria Mackillop bị rút phép thông công năm 1871.

d- Chỉ có thể nhận định về một người tương đối chính xác khi họ kết thúc cuộc đời. Kìa cả đến Đức Giê-su khi còn trên dương thế, Ngài cũng cấm các môn đệ nói cho người khác biết về Ngài, trừ khi Ngài từ cõi chết sống lại (x Mt 16,20 ; 17,9). Cũng vì thế tác giả thư Do Thái dạy: “Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo đã giảng Lời Chúa cho anh em, và hãy xem cuộc đời họ kết thúc thế nào mà noi theo lòng tin của họ” (Dt 13,7).

LM GIUSE ĐINH QUANG THỊNH [phaolomoi.net]