• Trang chủ

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC THIẾU NHI THÁNH THỂ

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là sẽ được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.”    (Mt 7,21)

Trong vai trò của người Huynh trưởng Thiếu nhi Thánh thể, chúng ta đã “thi hành ý muốn” của Thiên Chúa qua việc giáo dục Thanh thiếu nhi ra sao? thực hiện theo một đường lối hay là tùy tiện theo cảm tính? Và có bao giờ chúng ta nhìn lại kết quả “sự nghiệp giáo dục” của chúng ta qua những biểu hiện mà các em thiếu nhi bộc lộ ra bên ngoài! 
Trên đây là vấn nạn mà người Huynh trưởng cần quan tâm, qua đó phải nắm bắt thật sâu sắc về nội dung lẫn hình thức các phương pháp để thực hiện việc giáo dục Thanh thiếu nhi theo đúng mục đích của Phong trào.
I. KHÁI NIỆM:
Phương pháp là những cách thức tiến hành thực hiện một công việc nào đó, giúp đạt tới mục đích đã đề ra và hoàn tất công việc đó. Muốn đạt tới mục đích cách chính xác, dễ dàng và ít tốn công sức... ta phải có các phương pháp hữu hiệu thì mới hy vọng đạt được hiệu quả cao.
Mục đích của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể là đào luyện Thanh thiếu nhi về hai phương diện tự nhiên và siêu nhiên để họ trở thành những con người kiện toàn và những Kitô hữu hoàn hảo. 
- Phương pháp Tự nhiên với mục đích giúp các em trở thành những con người kiện toàn về thể chất, tinh thần và nhân cách với những đức tính căn bản của một con người; có khả năng, tinh thần tự nguyện và có ý thức góp phần xây dựng gia đình, khu xóm và xã hội. Phương pháp tự nhiên sử dụng các hình thức:
o Phương pháp hàng đội.
o Tổ chức Hội họp.
o Chương trình thăng tiến.
o Sinh hoạt vui.
o Vào Sa mạc.
- Phương pháp Siêu nhiên với mục đích giúp các em nên người Kitô hữu hoàn hảo, có nền tảng đạo đức chắc chắn, đức tin kiên vững, lương tâm ngay thẳng, hân hoan sống đạo. Phương pháp Siêu nhiên dùng các hình thức:
o Ngày Thánh Thể.
o Giờ Thánh Thể.
o Học hỏi và Sống Lời Chúa.
o Khung cảnh Kinh Thánh.
o Bầu khí Kinh Thánh.
Vì con người là hồn và xác nên hai phương pháp này đan lồng vào nhau, không thể xem nhẹ hay bỏ bớt khía cạnh nào, Huynh trưởng phải nhớ rằng Lời Chúa luôn luôn là điểm xuất phát, đồng hành và kết thúc cho bất kỳ hình thức hoạt động nào, phải giúp các em biết kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể và từ đó mục đích giáo dục của Phong trào mới có hiệu quả thiết thực.
II. PHƯƠNG PHÁP TỰ NHIÊN: 
1/ Phương Pháp Hàng Đội:
a. Khái niệm
Phương pháp hàng đội là hình thức thực hiện cơ cấu tổ chức cho một tập thể (Liên đoàn- Hiệp đoàn- Xứ Đoàn), trong đó tập thể này được chia thành những tập thể nhỏ, tập thể nhỏ nhất và căn bản là Đội. Mỗi Đội có một người đứng đầu là Đội trưởng, Đội trưởng được trao quyền để điều động các đoàn sinh thực hiện các hoạt động theo hoạt động chung của tập thể trên mình.
Ngay chính Chúa Giêsu cũng đã thực hiện phương pháp hàng đội: ngoài các tông đồ, Ngài “chỉ định bảy mươi hai người khác và sai các ông từng hai người một” (Lc 10,1) để thực hiện việc rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành người đau yếu. Ngài không làm một mình mà tin tưởng trao quyền cho các môn đệ, như thế Giáo Hội mới tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay.
Trong Xã hội, người sử dụng phương pháp Phân cấp- Phân quyền. Việc tổ chức theo phương pháp này có lợi ích trên mọi mặt hoạt động, từ việc điều động nhân sự, chủ động và chịu trách nhiệm trong công tác được giao, phát huy sáng kiến trong sản xuất kinh doanh…
b. Mục đích:
Mục đích của Phương pháp hàng đội bao gồm:
- Huấn luyện tinh thần đồng đội, tinh thần trách nhiệm cá nhân và liên đới tự quản với nhau để hoàn thành công việc chung của Đội.
- Giúp các em có cơ hội tự đào luyện và giúp nhau thăng tiến, qua đó các em sẽ biết đoàn kết yêu thương, biết quan tâm săn sóc nhau
- Giúp việc tổ chức và giáo dục đạt hiệu qủa cao, mọi người tham gia công việc một cách ý thức và tự nguyện.
- Giúp từng em được quan tâm và giáo dục, cảm thấy mình được tôn trọng và có ích trong hoạt động chung.
c. Tổ chức thực hiện
Phương pháp hàng đội trong Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể thực hiện đối với từng ngành Ấu - Thiếu – Nghĩa - Hiệp sĩ có thể theo nội dung như sau:
- Tổ chức:
+ Tìm kiếm, từ trong các lớp Giáo lý chọn lựa những em có phẩm chất tốt, Huấn luyện Đội kiểu mẫu (nội dung huấn luyện thay đổi theo ngành từ đơn giản đến phức tạp). Sinh hoạt như một Đội chính quy với mục đích cho các em biết rõ ràng hoạt động của Đội.
+ Tổ chức họp định kỳ các Đội trưởng để trao đổi và rút kinh nghiệm trong việc điều động Đội.
- Tùy theo ngành các Huynh trưởng sẽ trao nhiệm vụ cho Đội trưởng nhiều hay ít. Trong việc trao nhiệm vụ cho Đội trưởng, Huynh trưởng cần chú ý các điểm sau:
+ Tin tưởng đội trưởng, giám sát hỗ trợ và hướng dẫn đội trưởng, giúp các em hoàn thành nhiệm vụ. 
+ Thường xuyên trao đổi lắng nghe ý kiến của Đội trưởng, nắm bắt những ưu tư của đội trưởng, giúp các em giải toả những vướng mắc trong việc điều hành đội.
+ Tổ chức các buổi họp chung các đội trưởng cùng ngành để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.
+ Tận dụng cơ hội cho các em làm việc tự lập, tạo điều kiện cho các em được trưởng thành, giữ uy tín cho đội trưởng trước mặt các đội viên của em. Áp dụng nguyên tắc phân quyền rõ rệt.
2/ Hội Họp: 
a. Mục đích:
“Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,19-20). Chính vì thế, hội họp là một sinh hoạt không thể thiếu của Thiếu Nhi Thánh Thể. Thông qua hội họp, các em được:
- Gặp nhau thường kỳ. Từ đó nảy sinh tình thân ái, tình đồng đội, biết sống cho và sống với tha nhân.
- Biết phát biểu ý kiến cá nhân để góp phần vào hoạt động tập thể và giúp tập thể tiến bộ.
- Học tập để đào sâu đời sống tâm linh, nhân bản; trau dồi kỹ năng chuyên môn, chuẩn bị cho đời sống trưởng thành mai sau.
b. Hình thức và Nội dung Hội họp:
Hội họp được tổ chức dưới hai hình thức: Họp thường kỳ và Họp bất thường
* Thời gian tổ chức hội họp:
- Được tổ chức hàng tuần, là các giờ giáo lý, có thể vào trước hay sau giờ lễ dành cho các em vào ngày Chúa nhật, hoặc vào buổi tối ngày thường trong tuần nhưng cần chú ý ngày thuận tiện nhất để đông đảo các em có thể tham gia
- Được triệu tập theo nhu cầu đột xuất, tuy nhiên cần báo trước cho các em ít nhất một ngày, và họp vào buổi tối nếu đó là ngày thường.
* Nội dung cuộc họp:
- Thường kỳ: Học Giáo lý, các chương trình đã lập theo kế hoạch học tập. Thông báo chương trình tuần sắp tới, kiểm điểm đúc kết công tác tuần vừa qua. Củng cố và phát triển tinh thần đồng đội, trao đổi thông tin trong đội, giải quyết những vướng mắc trong hoạt động của đội. 
- Đột xuất: Không dùng để học hỏi theo kế hoạch học tập, tuy nhiên có thể triệu tập để học hỏi đối với những Huấn luyện viên khách mời đột xuất mà không thể thu xếp vào thời gian khác. Thông báo những chương trình, kế hoạch đột xuất cần giải quyết gấp.
c. Chương trình Hội họp:
Chương trình hội họp bao gồm các phần chính:
- Tập họp, điểm danh, ổn định đội hình;
- Đọc kinh khai mạc, hát bài ca truyền thống hay bài ca ý lực;
- Phổ biến nội dung chính của chương trình hội họp;
- Cùng nhau học tập, trao đổi theo nội dung bài khóa;
- Sinh hoạt vui xen kẽ;
- Thực hiện các hoạt động tổ chức nội bộ của Đội;
- Kiểm điểm rút tỉa kinh nghiệm các hoạt động của tuần vừa qua;
- Phổ biến và phân công các hoạt động tuần kế tiếp;
- Đọc kinh bế mạc.
Tuỳ theo nhiệm vụ của từng đoàn sinh trong đội hay theo nội dung chính của chương trình đã đề ra, nên phân công cho nhiều người, để mỗi người phụ trách một phần vụ khác nhau.
d. Cách điều hành một buổi họp
- Người điều hành phải nắm vững nội dung cuộc họp, mục đích phải đạt được sau khi cuộc họp kết thúc, từ đó không đi lan man từ vấn đề này sang vấn đề khác mà không đạt được yêu cầu chính đã đặt ra;
- Khai mạc và bế mạc đúng giờ, thời lượng các phần vụ trong cuộc họp hợp lý, tổng thời lượng không quá 90’;
- Tạo bầu khí nhẹ nhàng, vui tươi, thân tình, khơi gợi sự đóng góp ý kiến chân thành của các đoàn sinh.
- Kết luận rõ ràng, phân công cụ thể, như thế việc thực hiện kế hoạch sắp tới mới mang tính khả thi.
- Nếu có xung đột, nên tạm thời chấm dứt cuộc họp sớm, sau đó sẽ đề ra đường hướng khác phù hợp hơn.
3/ Sinh Hoạt Vui:
a. Mục đích:
Sinh hoạt vui là điều kiện cần trong việc giáo dục thiếu nhi “Học mà vui, vui mà học”. Sinh hoạt vui như “chất dẫn, chất xúc tác” với mục đích:
- Giúp các em dễ dàng hấp thụ nội dung học tập. 
- Giáo dục các em ngay trong sinh hoạt, như lòng ngay thẳng, thành thật, sự hăng hái, tình đồng đội…
- Giúp củng cố và ghi sâu các bài học.
- Khi vui tươi, thoải mái, các em sẽ bộc lộ bản ngã của mình, qua đó Huynh trưởng có thể nhận biết cá tính của từng em và điều chỉnh cách giáo dục cho phù hợp.
 b. Các hình thức sinh hoạt vui
Các hình thức sinh hoạt vui TNTT: Bài hát, Mini vũ, Băng reo, Trò chơi…
Bài hát, Mini vũ, băng reo, Trò chơi... rất cần thiết vì giúp các em hoạt động vui chơi. Đây là những kỹ năng người Huynh trưởng, Đội trưởng cần có khi tổ chức sinh hoạt cho các em. Tuy nhiên ở đây chỉ nêu những ý niệm tương đối khái quát. Để thực hiện, cần có sự linh hoạt, chế biến riêng, như thế mới tạo được sự sinh động.
+ Bài hát :
- Huynh trưởng phải nắm vững bài hát về nội dung, điệu nhạc, tiết tấu tương đối chính xác, nếu được nên thuộc lòng bài hát dự định tập.
- Có nhiều loại bài hát sinh hoạt nhưng nên chọn những bài hát vui tươi, ngắn gọn khoảng 4 câu, lời trong sáng và cần nhất là phù hợp với lứa tuổi:
. Ngành Ấu: Đơn giản, vui tươi, câu chữ ngắn gọn, tượng hình để các em dể nhớ.
. Ngành Thiếu: Đơn giản, có nhịp mạnh, câu chữ dứt khoát rõ ràng.
. Ngành Nghĩa: Mang tính nghệ thuật, có nội dung sâu sắc hơn các ngành nhỏ.
- Huynh trưởng hát qua một lần, tập câu 1 sau đó tập câu 2, kết hợp câu 1 câu 2 và mỗi câu lập đi lập lại khoảng 3  đến 5 lần. Thực hiện tập câu 3 và câu 4 cũng như tập câu 1 và câu 2, sau cùng ôn toàn bài. 
+ Mini Vũ:
- Là những cử điệu dùng để kết hợp với bài hát, do đó động tác cần phù hợp với nội dung bài hát.
- Chú ý đừng để động tác giống nhau lập đi lập lại nhiều lần, nên đơn sơ không quá cầu kỳ.
- Nên sử dụng phương pháp đối xứng, ví dụ có một câu đi qua bên phải, sau đó nên có câu đi qua trái, hoặc có câu đi vào trong thì nên có câu đi trở ra.
- Tương tự như tập bài hát, cũng áp dụng hình thức tập từng câu rồi kết hợp 2 câu. 
+ Băng reo:
- Có thể kết hợp với bài hát và mini vũ, tuy nhiên cũng có thể sử dụng đơn lẻ, kết hợp với động tác như vỗ tay, giơ tay lên trời, nhảy lên cao 
- Băng reo cần ngắn gọn, sát với chủ đề bài hát hay bài giảng.
- Tương tự như tập bài hát, cũng áp dụng hình thức tập từng câu rồi kết hợp 2 câu. 
+ Trò chơi:
- Giúp giáo dục thể chất, tinh thần, phản xạ nhanh nhẹn, ý thức, luyện tập giác quan, dạy các đức tính nhẫn nại, ngay thẳng, tinh thần tập thể.
- Các em đa phần hiếu động, do đó trò chơi phải giúp các em phản ứng với động thái ngược lại như: cẩu thả - cẩn thận; nóng nảy - trầm tĩnh; nhút nhát – gan dạ …
- Phải sửa soạn kỹ nội dung, phổ biến rõ ràng, nắm thật vững luật chơi, phải cho chơi nháp và phát hiện tình huống không phù hợp hay có tính nguy hiểm.
- Luật phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu từ hình thức chơi đến các trường hợp vi phạm luật chơi.
Bài hát hay băng reo thường có nội dung mang tính giáo dục về Tôn giáo hay nhân bản. Trò chơi thì không có, do đó Huynh trưởng biết cách Tôn giáo hóa trò chơi như thế sẽ hấp dẫn và tạo ý thức cho các em. 
4/ Chương Trình Thăng Tiến: 
Chương Trình Thăng Tiến Thiếu Nhi Thánh Thể là chương giáo dục tiệm tiến của Phong trào, là hệ thống các Bài học (lý thuyết và thực hành) nhằm giúp thiếu nhi ngày càng trưởng thành về đời sống tâm linh và đời sống nhân bản theo định hướng Giáo dục Kitô giáo.
Được gọi là Chương Trình Thăng Tiến vì nó vừa tiệm tiến vừa nâng cao về nội dung và hình thức giáo dục: từ dễ đến khó, từ thấp lên cao, phù hợp với tâm lý của từng lứa tuổi, tương ứng với từng ngành: Ấu (6-9 tuổi); Thiếu (10-12 t); Nghĩa (13-15 t), Hiệp sĩ (16-17 t) và được phân phối phù hợp với các buổi hội họp, học tập trong năm.
Chương Trình Thăng Tiến TNTT có 4 phần chính:
a. Giáo lý: 
Nội dung bao gồm: Thánh Kinh, Tín lý, Phụng Vụ, Bí tích, Các Bí tích, Luân lý và Đời sống cầu nguyện, các kinh căn bản. Đây là nền tảng để giáo dục các em về phương diện siêu nhiên. Hiện nay Giáo phận Tp HCM đã có một bộ sách giáo lý gồm 12 cuốn, chia theo độ tuổi và ngành cụ thể như sau:
Ngành Ấu: Giáo lý Khai Tâm 1, Giáo lý Khai Tâm 2, Giáo lý Rước Lễ 1, Giáo lý Rước Lễ 2.
Ngành Thiếu: Giáo lý Thêm Sức 1, Giáo lý Thêm Sức 2, Bao Đồng 1.
Ngành Nghĩa: Giáo lý Bao Đồng 2, Giáo lý Bao Đồng 3, Giáo lý Bao Đồng 4. 
Ngành Hiệp sĩ: Giáo lý Vào Đời 1, Giáo lý Vào Đời 2
b. Nhân bản: Đào luyện về đức, trí, thể, mỹ: Sống tương giao với tha nhân (gia đình, khu xóm, trường học, xã hội…)
c. Phong trào: Hiểu biết về Bản chất, Tôn chỉ, Mục đích, Đường lối, Phương pháp của Phong Trào TNTT. Đào sâu tình liên đới với Chúa Giêsu Thánh Thể là lý tưởng của Phong trào.
d. Các kỹ năng chuyên môn: hiểu công dụng và thực hành: nút dây, morse, mật thư, dấu đường, gia chánh, trang trí, cứu thương, thể dục, thể thao, nhạc, hoạ, vi tính, ... Tạo cơ hội áp dụng các kỹ năng trong sinh hoạt. Nhất là trong đời sống thường ngày.
5/ Sa Mạc: 
a. Khái niệm:
Vào Sa mạc là trại huấn luyện, là cách giáo dục thiếu nhi trong môi trường thiên nhiên. Giữa thiên nhiên các em dễ: Hướng tâm hồn lên, gặp gỡ Chúa trong tĩnh lặng ca tụng Chúa khi ngắm nhìn thiên nhiên.
Thoát ra khỏi những lo toan thường ngày, dễ nảy sinh tâm tình đạo đức. Đời sống trong sa mạc giúp các em thắt chặt tình thân ái vì sống chung nên hiểu nhau hơn, biết đón nhận nhau. Có cơ hội học tập những điều mới và thực hành những điều đã học.
b. Tổ chức Sa mạc cho các em:
- Thành lập Ban Điều hành và Ban Huấn luyện. 
- Cùng với Ban Điều hành dự thảo và phác hoạ kế hoạch tổ chức. Liên lạc với Ban Điều hành cấp trên để thực hiện các thủ tục cần thiết. 
- Xác định thời gian sao cho phù hợp với điều kiện có thể tham gia được của các em (mùa hè, ngày nghỉ), thời lượng tổ chức tuỳ theo lứa tuổi: ngành ấu: 1ngày; ngành Thiếu, Nghĩa: 2 ngày 1 đêm...
- Tìm kiếm địa điểm thích hợp, an toàn, dễ dàng cho việc di chuyển, an ninh. Thuận tiện cho việc thiết trí và sắp xếp các lều, sân cờ, chỗ sinh hoạt và học khoá.
- Soạn thảo chương trình sa mạc sao cho vừa phải, tránh dồn ép thì giờ, các khoá và các sinh hoạt trong sa mạc nên có sự phối hợp, theo với ý lực, hợp với tuổi ...
- Phân công rõ rệt các trách nhiệm trong Ban điều hành, Ban Huấn luyện. Soạn các đề tài cho phần tiền sa mạc và các điều kiện tham dự Sa mạc. 
- Mời Huấn Luyện Viên chuyên môn cho các khoá. Dựa theo khả năng chuyên môn của mỗi Huấn luyện viên để mời
- Thực hiện Sổ Khoá, bảng tên, Sổ Trực, Sổ Sinh Hoạt, Điểm thưởng..,
- Quan sát kỹ lưỡng địa điểm để vẽ sơ đồ sa mạc, hướng dẫn đường đi, sắp xếp vị trí các lều. 
- Gởi các thông báo đến các Huấn luyện viên và SMS. 
- Chuẩn bị Cờ Phong Trào, Cờ Quốc Gia, Cờ Đội…
- Chuẩn bị phần Phụng Vụ: Sách Lễ, sách hát, Thánh Giá, tượng Đức Mẹ, Mặt Nhật… 
- Dự tính các phần chi thu sao cho đừng bị thiếu hụt. 
- Ban Quản lý chuẩn bị đồ ăn, thức uống đủ cho các ngày trong sa mạc. 
- Dự tính vấn đề chuyên chở, đưa đón và phân chia cho các Trưởng phụ giúp.
- Chuẩn bị vấn đề vệ sinh: Giấy vệ sinh, bao rác… Vấn đề y tế: Các loại thuốc thông dụng và cứu thương. 
- Thông báo hành trang sa mạc cho các Sa Mạc Sinh. 
+ Phân công hoạt động của các Ban: 
- Ban Hành chánh: Tập hợp danh sách, phân đội, làm bảng tên, sổ khoá, theo dõi điểm danh.
- Ban Trực nhật, Kỷ luật, Thi đua: phân giờ chương trình, soạn nội quy, soạn chương trình thi đua;
- Ban Sinh Hoạt: Tạo bầu khí sống động và phấn khởi ngay từ lúc nhập sa mạc, Thi đua có thưởng trong mọi sinh hoạt. Soạn chương trình sinh hoạt, lửa thiêng Thánh thể, hành trình sa mạc;
- Ban Quản lý: chuẩn bị vật dụng trại như lều, cọc, dây, cổng sa mạc, củi, ẩm thực, cung cấp đầy đủ nước uống cho SMS tại những chỗ thuận tiện gần nơi học khoá. 
- Ban Phụng vụ: soạn giờ chầu Thánh thể, Thánh lễ, viếng Chúa, lãnh nhận Lời Chúa (Nội dung và các vật dụng cần thiết như chén Thánh, sách lễ, đèn,…)
- Ban Y tế: vật dụng y tế bông băng, các loại thuốc thông thường như thuốc cảm, đau bụng, dầu… 
- Ban Huấn Luyện: 
+ Chuẩn bị và cung cấp đầy đủ bài khoá, tài liệu học tập, sinh hoạt cho Sa Mạc Sinh. 
+ Cộng tác chặt chẽ với Trưởng Trực trong việc theo dõi sự tham gia, học hỏi, thái độ và tinh thần hợp tác, đóng góp của mỗi Sa Mạc Sinh. 
+ Nên cùng tham dự các khoá, các sinh hoạt với các SMS sau các giờ khoá của mình. 
+ Luôn đồng phục chỉnh tề. 
+ Sẵn sàng giúp đỡ các Sa Mạc Sinh khi cần. 
c. Giai đoạn Tổ Chức và Điều Hành:
Bố trí trong mặt bằng Sa mạc: 
- Lều Điều Hành: vị trí dễ quan sát toàn diện sa mạc. 
- Lều Thánh Thể: vị trí cao ráo, thoáng mát, rộng rãi, sạch sẽ, riêng biệt… 
- Khu Ẩm Thực: Tránh gần chỗ sinh hoạt, thuận tiện cho việc lấy nước, chỗ rửa và đổ rác. 
- Lều Sa Mạc Sinh: hướng về khu vực trung tâm.
- Sân Cờ, khu vực học tập, vui chơi: Cần chỗ rộng rãi, bằng phẳng, an toàn. 
- Nhà Tắm, Vệ Sinh: Không nên quá xa mà cũng không quá gần các lều. 
  Chương trình Sa mạc:
Tuỳ theo kế hoạch và mục tiêu huấn luyện đã đề ra mà Ban Điều hành phải sắp xếp chương trình sa mạc sao cho phù hợp, cụ thể như sau :
- Theo kế hoạch Huấn luyện, các bài khoá sẽ dược chọn lựa và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. tuỳ theo Huấn luyện viên để sắp xếp giờ giấc cho phù hợp. Nên tham khảo trước với các Huấn luyện viên 
- Mời Huấn luyện viên theo đúng khả năng chuyên môn của họ cho các bài khoá. 
- Sắp xếp các giờ giải lao xen kẽ, giờ nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân. Nên sắp xếp bài khoá nào có vẻ hấp dẫn, sôi động vào sau bữa ăn trưa.
- Đừng tham lam, ôm đồm nhiều. Nếu thời gian và hoàn cảnh cho phép, chuẩn bị các khoá lý thuyết trước để sa mạc sinh học hỏi trước. 
- Giờ nghỉ đêm đừng quá trễ, giờ thức giấc không nên quá sớm, giờ vệ sinh cá nhân vào buổi sáng đừng quá ngắn. 
- Đừng để một người ôm hai ba việc một lúc hoặc không nên khoán trắng cho một người. 
Trong chương trình Sa mạc cần duy trì các điểm nhấn, cụ thể như sau:
Các Ý lực trong Sa mạc: Ngày Cầu Nguyện, Ngày Thánh Thể, Ngày Hy Sinh, Ngày Tông Đồ 
Các Sinh Hoạt Truyền Thống: Chầu Thánh Thể, Viếng Thánh Thể, Lửa Thiêng Thánh Thể, Hành Trình Sa mạc
Các Sinh Hoạt Chuyên Môn, Chuyển Khoá, Khen Thưởng: 
- Bài hát, băng reo, trò chơi ngắn 
- Thăm viếng lều trại 
- Thi đua kỹ thuật chuyên môn 
- Khen thưởng: Tua, Cờ Danh Dự, Quà Thưởng. 
  d/ Giai đoạn Hậu Sa mạc:
- Đúc kết sa mạc, rút ưu khuyết điểm, Tổng kết toàn bộ sa mạc và báo cáo lên Ban Điều hành cấp trên về công việc tổ chức sa mạc; 
- Trình kết quả học tập của Sa mạc sinh và đề nghị cấp quyết định công nhận cấp chứng chỉ huấn luyện cho sa mạc sinh;