• Trang chủ

HÀNH TRÌNH SA MẠC

Thời gian thích hợp : 9g – 12g

I. Ý nghĩa:
• Hành trình sa mạc là trải nghiệm và sống lại các câu chuyện tình thương của Thiên Chúa qua lịch sử ơn cứu độ. Rõ nét nhất là “thời đính hôn”: là hành trình của ông Môisê dẫn dân Israel suốt 40 năm gian nan trong sa mạc. Thiên Chúa đã dùng thời gian trong hành trình này để thanh tẩy và huấn luyện dân riêng Ngài. Chúa nuôi dưỡng khi họ đói khát, Chúa cứu chữa khi họ gặp tai ương, Chúa trách phạt rồi lại tha thứ, qua cuộc đời hay sứ điệp của các tổ phục, các ngôn sứ,...chúng ta nhận ra: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv. 135)
• Hành trình sa mạc cảm nghiệm cuộc lữ hành của Giáo Hội ngày nay. Sa mạc thời đại biểu cũng nhiều cám dỗ, thử thách, nhiều tội lỗi, bệnh tật tấn công. Nhưng Chúa đã ban Thánh Tử Giêsu để Người phán dạy. Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế đã chết và phục sinh, luôn ở cùng chúng ta qua Chúa Thánh Thần và Thánh Thể. Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi. (Dt 13, 8)
• Hành trình sa mạc của phong trào TNTT tái hiện cuộc đời và gương lành các Thánh nhân, các vị Tử đạo. Các Thánh cũng trải qua sa mạc đầy gian nan chông gai, những hiểm nguy khi truyền rao Tin Mừng Đức Kitô, chiếu sáng Đức Tin cho dân ngoại, đến với những tâm hồn lạc lối, những hoang mạc ruộng khô cần gieo trồng hạt giống “Lúa Trời”.
• Hành trình sa mạc của phong trào TNTT là giảng diễn Lời Chúa, giáo huấn của Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội Việt Nam nói riêng, được xây dựng nên khung cảnh sống cho hành trình hoặc hình thành cho trò chơi lớn, làm đòn bẩy cho chiến dịch, thi đua.
Phong trào TNTT chọn khung cảnh của cuộc hành trình sa mạc của dân Chúa xưa cũng như dân Chúa ngày nay làm phương pháp giáo dục dưới hình thức một trò chơi, trong đó tạo ra những trạm dừng, những khó khăn trở ngại các sa mạc sinh phải vượt qua để nhớ lại nội dung và sứ điệp Chúa đã ban cho dân Chúa, để giáo dục và thanh luyện dân Ngài.
Và cũng như dân Chúa xưa, qua mỗi trạm, người tham dự hành trình sa mạc được phong phú thêm trong hành trang cho cuộc hành trình về đất hứa vĩnh cửu. Mỗi khi tham dự hành trình sa mạc Người huynh trưởng được mời gọi sống tinh thần từ bỏ, vâng phục. Từ bỏ con người cũ với tính ích kỷ, đố kỵ, kiêu căng để hoàn toàn tín thác vào Chúa, để Chúa làm chủ và dẫn dắt đời mình. Để rồi, giúp các em thiếu nhi tìm kiếm Đất Hứa vĩnh cửu đã được hoàn thành nơi Đức Giêsu Kitô, nơi mà cuộc chiến của ta kết thúc thắng lợi nhờ sự Phục Sinh của Ngài.
Hành trình sa mạc là một trong những phương pháp giáo dục, dưới hình thức một trò chơi, với những gian nan và thử thách, muốn cho người tham dự “chơi mà học”,tiến thêm một bước trong niềm tin vào Chúa, Đấng điều khiển lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, lịch sử mỗi đời người; Đấng luôn biết đến, yêu thương và chăm sóc từng người.
Dân Israel xưa đã có kinh nghiệm về Thiên Chúa ngang qua hành trình sa mạc. Hành Trình Sa Mạc dưới hình thức trò chơi ngày nay, nếu được tổ chức kỹ lưỡng sẽ góp phần giúp mỗi người tham dự, tùy hoàn cảnh, môi trường, điều kiện, khả năng của mình trải nghiệm và sống mối tương quan của mình với Chúa, để trên cơ sở đó (tương quan với Chúa) mà sống tốt mối tương quan với mọi người.
II. Tổ Chức:
• Hành trình sa mạc trong phong trào TNTT luôn thực hiện dựa theo 3 nguyên tắc: tạo bầu khí, giáo dục chiều sâu và rèn luyện kỹ năng. Thiếu 1 trong 3 điều này thì không thể thành công.
• Để soạn thảo kịch bản:
o Soạn theo chủ đề hay ý hướng của sa mạc huấn luyện.
o Kết hợp với mùa phụng vụ và chủ đề sống đạo của giáo phận
o Câu chuyện xuyên suốt, hợp lý trong hành trình.
o Nắm vũng những điểm cốt yếu, những vai trò chính để ấn định số trạm, mỗi bối cảnh là một trạm khảo sát.
o Kịch bản tổng quát này có thể chơi được ở mọi nơi và cho bất cứ thành phần nào.
• Phần riêng cho mỗi Hành trình sa mạc:
Căn cứ vào số lượng người chơi mà quyết định hình thức của cuộc hành trình. Hình thức có 3 dạng:
o Dạng tiến lên theo một lộ trình đội đến trước là thắng.
o Dạng xoay vòng: xuất phát từ một điểm tỏa ra các trạm không theo thứ tự.
o Dạng đối kháng: chia ra để thi đua đối đầu với các đội.
• Ước tính thời gian trở ngại nếu có (cho từng trạm và cuộc hành trình)
o Ấn định thời gian cho mỗi đội hoặc cá nhân tại mỗi trạm hay mỗi đoạn đường đi để cuộc chơi được điều hòa, nếu cuộc hành trình bị “cháy” cần kịp thời điều chỉnh.
o Nếu là trò chơi đêm thì sự chuẩn bị càng kỹ lưỡng hơn.
o Chọn địa điểm thích hợp (tiềm trạm)
o Phải đến tận nơi để quan sát khung cảnh, nơi sẽ diễn ra cuộc hành trình để có khái niệm chuẩn bị và soạn thảo trò chơi.
o Có thể hỏi thăm, vẽ bản đồ hướng dẫn lộ trình.
o Có những nơi cần phải xin phép và giới hạn phạm vi, cần phải tham khảo với giới hữu trách địa phương về địa hình và các luật lệ…
o Soạn thảo mật thư – là phần quan trọng nhất của việc chuẩn bị, phải tùy theo trình độ SMS mà thiết kế mật thư. Việc này có thể nhờ các trưởng đứng trạm cộng tác (hoặc chuyên viên) nhưng phải kiểm tra cho chính xác.
a. Trước khi hành trình:
Ban điều hành sa mạc phải hiểu rõ nội dung và diễn tiến của cuộc hành trình.
Trình bày diễn tiến chi tiết cho các Trưởng trạm hiểu rõ: địa điểm lộ trình, những trở ngại cần vượt qua từ nơi xuất phát đến nơi kết thúc.
Đến địa điểm trước để sắp xếp, sửa soạn, ướm định thời gian, đặt trạm để thích nghi với chủ đề, nên lợi dụng tối đa cảnh vật thiên nhiên.
Sắp đặt và giải thích kỹ các Trưởng ở từng trạm, từng đoạn đường, hóa trang thành nhân vật hoặc vai trò mà mình sẽ thủ diễn. Cách thức chấm điểm, giới hạn thời gian tại mỗi trạm, khảo hạch như thế nào? Trò chơi của mỗi trạm ra sao?
Duyệt qua diễn tiến trò chơi, xem lại các dụng cụ cứu thương, mật thư, dấu đường, phương tiện liên lạc, di chuyển, bản tin…
Cho các Sa mạc sinh biết phải mang theo những gì cần thiết cho cả cuộc hành trình (dây, những gì cần hóa trang…)
b. Trong khi diễn tiến:
Kiểm soát chặt chẽ diễn tiến của từng trạm, chú ý đến tinh thần cá nhân, các đội thi đua… Chú ý đặc biệt thời tiết và tâm lý của từng người tham dự.
ÚTheo dõi kết quả từng trạm và tính thời gian cho đúng chương trình như đã liệu, nên kết thúc trong cao trào và có hậu.
c. Kết quả cuộc hành trình:
Họp ban điều hành để rút ưu khuyết điểm, các trưởng trạm nhận xét về trạm mình.
Các Sa mạc sinh chơi hăng say quảng đại rất thích biết được kết quả mình thu lượm được. Việc tuyên bố kết quả phải diễn ra khéo léo hợp tâm lý, đừng để người thua buồn rầu, bất mãn: Khen kẻ thắng bằng một tràng pháo tay nhưng đừng quên người thua đã tỏ ra “Kiên tâm, bền chí, tinh thần đồng đội cao độ, cũng xứng đáng được hoan hô”
Kết quả hành trình không chỉ có cộng điểm và xếp thứ hạng mà còn những kết quả giáo dục về mọi mặt, về mục tiêu đã đề ra.
d. Vai trò người đứng trạm:
Hiểu tâm lý nhân vật hợp vai diễn, luôn tôn trọng người chơi, dù là trẻ em.
Chuẩn bị khung cảnh hóa trang.
Biết nhiệm vụ của trạm mình đứng, nắm vững các diễn tiến hành trình tới các trạm.
ÚCó óc hài hước tạo bầu khí vui, sinh động.
Biết thưởng phạt khéo léo, chấm điểm công bằng.
Khi cần ra hình phạt, nên tìm một hình thức vui nào đó để giáo dục. Tuyệt đối không dùng những hình thức phạt cực hình hoặc khổ nhục hình trong cuộc hành trình.
III. Kết luận
Trong tất cả các sa mạc huấn luyện, hay các cuộc cắm trại vui chơi… Cuộc hành trình sa mạc hoặc trò chơi lớn thường là tiết học hấp dẫn, hào hứng nhất, nhớ lâu, nhiều kỷ niệm và có công hiệu giáo dục nhất.
Một cuộc hành trình kết quả thường không chỉ là những kỷ niệm chóng qua nhưng gia tăng lòng nhiệt thành nơi những người tham dự.