• Trang chủ

CÁCH LÀM TRƯỞNG TRỰC

I. Khái niệm về Trưởng trực.
Trưởng trực là người thay mặt ban điều hành để tiến hành công việc trong sa mạc. Do đó, Trưởng trực phải hiểu thật rõ và phản ánh đúng ý Ban điều hành.
Mọi sinh hoạt đều do Trưởng trực điều động, do đó, Trưởng trực phải hết sức thận trọng: vừa nghiêm túc vừa nhẹ nhàng. Tinh thần của sa mạc sẽ được củng cố trong những nghi thức của sa mạc, như khai mạc, chào cờ, bế mạc… nên trưởng trực phải có khả năng nhất định để đảm nhận công việc này.
Bên cạnh đó, người Trưởng trực còn là bạn của sa mạc sinh, Sa mạc là trại huấn luyện chứ không phải nhà tù, Trưởng trực phải đủ thân thiện để có thể hiểu những nhu cầu của sa mạc sinh, tạo bầu khí cảm thông, vui vẻ.
II. Những yêu cầu nơi người trưởng trực PT.TNTT
1. Kiến thức.
- Hiểu biết và thuần thục về các nghi thức phong trào
- Hiểu biết về sa mạc sinh để có cách xưng hô và ứng xử thích hợp.
- Hiểu biết về tập tục hay nếp sống sinh hoạt của địa phương nơi tổ chức sa mạc.
- Biết các nguyên tắc về kỷ luật và khen thưởng: tôn trọng sa mạc sinh, khích lệ, Khen đúng lúc và đúng chỗ. Khen chỗ đông người nhưng nhắc nhở thì nhắc cá nhân, nếu phạt phải mang tính giáo dục, không mạt sát, khinh dể sa mạc sinh.
2. Khả năng.
Tự tin trước đám đông, kiên định, nghiêm túc mà vui tươi, nhanh nhẹn, hoạt bát, công minh, có sức khỏe tốt ăn nói lưu loát, rõ ràng và dứt khoát.
III. Những phận vụ của người trưởng trực.
1. Chuẩn bị sa mạc.
- Nhận chương trình từ Sa mạc Phó, lưu ý rằng các Huấn luyện viên đã biết và nộp bài khóa. Dựa theo đó để “soạn” 1 diễn tiến chương trình dành cho Trưởng trực, trong quyển sổ tay trưởng trực ghi đầy đủ: Chương trình sa mạc, Ban điều hành, Huấn luyện viên, Luật sa mạc, danh sách chia đội sa mạc sinh, cách chấm điểm thi đua, các nghi thức, những công việc và những điều cần lưu ý trong sa mạc, băng reo, trò chơi (ứng phó), những người và những thứ có liên quan đến trưởng trực.
- Công việc rất quan trọng, nên đòi hỏi người trưởng trực phải chuẩn bị và kiểm tra thật kỹ những việc của mình, nhắm trước các tình huống có thể xảy ra và cách giải quyết. Dù Trưởng trực có giỏi đến đâu cũng không được phép xem nhẹ việc chuẩn bị này.
- Những dụng cụ cần chuẩn bị và những người hỗ trợ cho các nghi lễ trong sa mạc. Ôn lại những nghi thức và những tư thế của Trưởng trực.
- Cầu nguyện cùng Chúa Thánh thần.
2. Diễn tiến sa mạc.
- Khi mọi việc đã chuẩn bị và tiến hành thì Trưởng trực phải trung thành với chương trình. Trưởng trực không được tùy tiện thay đổi chương trình mà chưa có sự tham khảo với Ban điều hành sa mạc. Lúc này Trưởng trực chỉ là người giữ giờ và thúc đẩy cho mọi việc hoàn thành.
- Ban trực phải đồng lòng, hợp tác trong vui tươi và phối hợp nhịp nhàng với các ban khác.
- Mọi thông tin hay mệnh lệnh đến với sa mạc sinh phải thông qua trưởng trực, đôi khi cũng có những ngoại lệ. Ban điều hành không nên đến thẳng sa mạc sinh mà ra lệnh.
a. Đối với sa mạc sinh.
+ Trưởng trực nhắc nhở với thái độ hòa nhã, khoan dung nhưng phải dứt khoát và cụ thể. Động viên, khuyến khích Đội trưởng để họ làm tốt công việc của mình.
+ Không đùa giỡn và gần gũi quá mức cần thiết đối với các sa mạc sinh. Luôn có thái độ vui tươi, chân thành nhưng nghiêm túc.
+ Nên nhẹ nhàng với vấn đề tế nhị của bạn nữ.
+ Quan tâm đến sức khỏe và tinh thần của từng sa mạc sinh, để Trưởng trực có những ứng xử thích hợp trong khi điều khiển.
+ Có thể gặp riêng, chuẩn bị cho các đội để thực hiện những nhiệm vụ như: lãnh cờ, trực cờ, làm vệ sinh v.v… giúp các sa mạc sinh tự tin hơn và làm tốt hơn.
+ Để ý những tình huống xấu có thể xảy ra và hội ý để có cách giải quyết tốt nhất. Tình cảm nam nữ trong sa mạc nếu có bộc lộ rõ và gần gũi thì nên nhắc nhở, góp ý tế nhị và tôn trọng.
+ Trưởng trực điều khiển sa mạc không phải bằng quyền mà bằng sự tự giác của từng sa mạc sinh, kêu gọi và khuyến khích dũng khí của sa mạc sinh, để họ tăng triển năng lực thực sự của họ.
+ Khi khen thì nêu Tên đội, nhưng khi cần nhắc nhở thì nên nêu số thứ tự của đội.
+ Đồng hành với các sa mạc sinh. Quan tâm, hỏi thăm sức khỏe, tinh thần và cảm nghĩ của sa mạc sinh trong những giờ giải lao, nhàn rỗi để có cái nhìn chính xác và thực tế hơn so với buổi họp Đội trưởng mỗi tối.
+ Để ý và quan tâm tới những bạn yếu kém và chậm chạp, để họ không có cảm tưởng bị bỏ rơi, và lưu ý mọi người biết quan tâm đến người khác hơn.
b. Đối với các Trưởng khác.
+ Để giữ cho sa mạc nghiêm túc, Trưởng trực phải nhẹ nhàng nhắc nhở những ai không tuân theo nội quy sa mạc hay có lời nói, thái độ giỡn cợt với sa mạc sinh.
+ Không so bì, ganh nạnh và phải có tinh thần chung.
+ Thể hiện sự khiêm tốn và tôn trọng mọi người.
IV. Những vấn đề cần quan tâm
1. Phổ biết kỷ luật sa mạc.
+ Lưu ý tinh thần tự giác. Kỷ luật sa mạc có tốt hay không là do ý thức chấp hành của mỗi sa mạc sinh “Luật vì con người”. Kỷ luật thì vô hình, nó chỉ được thực hiện nghiêm túc khi từng người ý thức gìn giữ kỷ luật. Trưởng trực sẽ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kỷ luật: “Giờ nào việc đó”
+ Nhanh nhẹn trong mọi lúc, nghiêm chỉnh trong tác phong, đầy đủ trong bổn phận
+ Bầu khí lúc này rất quan trọng: Phải nghiêm túc; Lời nói của trưởng trực phải đủ lớn, chậm rãi, rõ ràng, ngắn gọn và dứt khoát;
+ Trưởng trực phải biết khiêu khích sự cộng tác, khiêu khích lý tưởng, khiêu khích năng lực của từng người, khiêu khích cái hùng, cái dũng bên trong mỗi sa mạc sinh để họ có sức chiến đấu vì lý tưởng, chiến đấu vì Đức Kitô, phải có thái độ tích cực trong mọi việc và học tập năng động. Phải cho sa mạc sinh biết rằng thành công của sa mạc là do mỗi sa mạc sinh góp phần.
+ Sa mạc Huấn luyện là nơi đào tạo Huynh trưởng về đạo đức, kỷ luật, tư cách, tác phong, tinh thần đồng đội, kỹ năng, kiến thức v.v...do đó mọi thứ trong sa mạc phải mẫu mực. Mọi việc đều có giờ của nó, mỗi sa mạc sinh phải trong tư thế sẵn sàng. Vì lý do đó mà các sa mạc sinh không được thông báo chương trình của sa mạc.
+ Mọi việc phải được thực hiện đúng với tinh thần của nó: Ví dụ tập họp phải “Nhanh nhẹn, trật tự và im lặng”. Học tập phải hăng say và vui tươi. Giờ chầu phải sốt sắng. Lửa thiêng phải vui và có ý nghĩa đúng tinh thần lửa thiêng chứ không phải lửa trại. Tuân hành kỷ luật với tinh thần tự giác.
+ Tránh thái độ “Bằng mặt mà không bằng lòng”. Đừng ra lệnh như “tát vào mặt người khác” sẽ gây phản cảm và mệnh lệnh sẽ mất hiệu lực thật sự của nó. Không bao giờ phạt Đội trưởng trước mặt đội viên.
V.  Chia sẻ kinh nghiệm.
- Trước giờ lửa thiêng Thánh thể, Trưởng trực có thể cùng các đội cầu nguyện để đêm lửa thiêng được tốt đẹp; khi có tiếng còi, các đội Trưởng lần lượt hô tên đội và chạy vào khu vực lửa trại. Nhắc nhở đội trưởng và trao trọng trách cho họ, họ sẽ làm việc rất tốt đôi khi vượt ra sự mong đợi của Trưởng trực.
- Chuẩn bị lửa thiêng, Trưởng trực có thể mời một số bạn nam tự nguyện, giao lại cho Trưởng Sinh hoạt chuẩn bị lửa thiêng. Vấn đề trực đêm cũng có thể đề nghị sự tự nguyện.