• Trang chủ

7. Sống ngày Thánh Thể

HUYNH TRƯỞNG CẤP 2
 “Dù anh em ăn uống hay làm việc gì, anh em hãy làm tất cả vì Danh Chúa Giêsu Kitô” (1Cr 10,31)
 Sống ngày Thánh Thể là phương pháp giáo dục siêu nhiên của phong trào TNTT.
Một đoàn sinh Thiếu nhi Thánh Thể được luyện tập nên Thánh từng ngày bằng việc sống ngày Thánh Thể. Nhiều ngày sống Thánh Thể sẽ kết thành những tháng, năm và một đời sống Thánh Thể.
I. BÍ TÍCH THÁNH THỂ. SỐNG NGÀY THÁNH THỂ 
“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16). Chúa Con vì yêu thương loài người đã vâng phục Chúa Cha nhập thể làm người để cứu chuộc loài người chúng ta. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu không muốn lìa xa chúng ta, Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để làm nguồn sống thần linh cho chúng ta và để ở lại với chúng ta như lời Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28,30). Như vậy, Bí tích Thánh Thể:
-    Là Lễ Tạ Ơn, như người Do Thái xưa luôn ca ngợi Thiên Chúa nhất là trong bữa ăn.
-    Là sự Tưởng niệm cuộc Thương Khó, Cái Chết, sự Phục Sinh của Đức Kitô, tức là mầu nhiệm Vượt Qua, nền tảng của ơn cứu độ chúng ta.
-    Là Bí tích Tình Yêu: Một tình yêu dâng hiến, Chúa Giêsu đã hoàn toàn trút bỏ chính mình.
-    Là Phụng vụ thánh thiện và thần linh, là Mầu nhiệm rất Thánh, Bí tích Cực Thánh.
Thánh Thể tạo ra sự hiệp thông và gìn giữ sự hiệp thông.
Thời Giáo hội sơ khai các tín hữu đầu tiên hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện (Cv 2,42). Một sự  hiệp thông huynh đệ cả tinh thần lẫn vật chất.
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhấn mạnh đến sự hiện diện của Đức Giêsu giữa cộng đoàn qui tụ với nhau nhân danh Chúa.
Như vậy nhắc đến Thánh Lễ, ta không thể quên tính hiệp thông của Thánh Thể, qua đó  chúng ta được mời gọi cộng góp với Chúa trở thành tác nhân của ơn cứu độ giữa cộng đồng.
Tôn chỉ của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể là sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, và Phong trào TNTT cũng chỉ có một lý tưởng là Chúa Giêsu Thánh Thể. Như vậy, sống ngày Thánh Thể là sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta ca tụng Thiên Chúa Cha bằng cách sống tốt, thánh hóa và chu toàn các bổn phận thường ngày. Tất cả mọi việc làm trong ngày sẽ thực hiện với tâm tình yêu mến, nguyện cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Cùng với Chúa Giêsu, trong tâm tình của Chúa Giêsu chúng ta sống chan hòa yêu thương với mọi người, đó chính là ý nghĩa của NGÀY THÁNH THỂ.
 II.      VÌ SAO PHẢI SỐNG NGÀY THÁNH THỂ: 
Trong bữa tiệc ly, sau khi đã rửa chân cho các tông đồ, để làm gương về sự phục vụ. Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể.
Qua đó, Người muốn chúng ta tái diễn việc hy sinh tận hiến của Người “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy làm điều chính Người đang làm, Người làm việc gì nếu không phải là hiến dâng mạng sống mình cho chúng ta. Như vậy, sau khi lãnh nhận Hiến lễ tình yêu, chúng ta cũng được mời gọi nên của lễ hy sinh và trao ban cho nhân loại.
Do đó, việc cử hành Thánh lễ sẽ không trọn vẹn ý nghĩa nếu cuộc sống chúng ta không phải là cuộc sống Thánh Thể, một cuộc sống trao ban.
Đời sống Kitô hữu phải là cuộc sống chứng tá để người ta nhận ra khuôn mặt đích thực của Chúa Giêsu, Vua Hoà Bình, Vua Tình Yêu nơi con người họ gặp gỡ.
Thánh lễ nơi thánh đường kết thúc, nhưng đời ta luôn là một thánh lễ nối dài. Hiến tế núi Sọ đã hoàn tất nhưng mở ra cho hiến tế cuộc đời. Chúng ta không chỉ kết hiệp với Chúa nơi thánh đường mà trong từng phút giây ngày sống, chúng ta phải thể hiện tình yêu hiệp thông trong khi công tác. Giúp đỡ tha nhân tức là tiếp nối sứ mạng yêu thương và cứu chuộc mà Chúa Giêsu đã truyền.
Loan báo Lời Chúa bằng hành động, là chứng tá sinh động của cuộc sống trong vai trò ngôn sứ của một Huynh trưởng. Ngày nay, người ta tin vào những người chứng hơn là những lời rao giảng. Chính vì thế, người Huynh trưởng hôm nay không chỉ cần một nền linh đạo vững chắc nhưng còn cần một tấm lòng với Chúa và anh chị em.
 III. THỰC HIỆN SỐNG NGÀY THÁNH THỂ: 
Theo Tin Mừng (Mc 1,14-39), một ngày hoạt động của Chúa Giêsu bao trùm mọi không gian: tôn giáo cũng như trần thế, tư cũng như công, liên quan đến toàn thể con người. Lúc thì ở: hội đường, tư gia, cửa thành, chốn hoang vắng, và ngay từ đầu luôn có các môn đệ bên cạnh. Như thế nếu chúng ta tự nguyện sống kết hiệp với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không thể sống khác với nếp sống của Ngài. Vả lại, chúng ta còn có một kim chỉ nam để soi dẫn là Mười điều luật Thiếu nhi Thánh Thể:
1. Lúc thức dậy:
Chúa Giêsu hằng cầu nguyện và dạy chúng ta cầu nguyện luôn. Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu chỗi dậy đi vào nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó (Mc 1,35).
Điều luật 1: Thiếu nhi mỗi sáng dâng ngày, làm cho đời sống hoá nên lời cầu.
Khi thức giấc, chúng ta dâng ngày cho Chúa. Không để sự ươn lười “ngủ nướng” thắng mình. Khi dâng lên Chúa những khó khăn sẽ gặp trong ngày, chúng ta nhận được can đảm để đối mặt với những điều không như ý xảy ra. Trong lời kinh dâng lên Chúa:
-    Tạ ơn Chúa vì đã qua một đêm ngủ an bình. Tạ ơn Chúa vì một ngày mới, còn nhìn thấy mặt trời, còn được chiêm ngắm những kỳ công Chúa tạo dựng.
-    Dâng ngày mới cho Chúa theo ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha kèm theo những ý hướng.
+   Noi gương Chúa Giêsu sống đời tận hiến.
+   Cộng tác với Chúa trong việc cứu rỗi nhân loại.
-    Nhắc nhớ Ý LỰC trong ngày: Bí tích ThánhThể là bí tích Tình yêu. Ngày sống Thánh Thể phải đượm tâm tình yêu thương bác ái: Hôm nay tôi sống Thánh Thể bằng việc biết yêu thương, hy sinh hơn, làm cho những người gặp tôi được hạnh phúc.
+   Thứ hai: Cầu cho sự hiệp nhất.
+   Thứ ba: Cầu cho việc truyền giáo.
+   Thứ tư: Kính Thánh Giuse, cầu cho gia đình.
+   Thứ năm: Kính Chúa Giêsu Thánh Thể, cầu cho các linh mục.
+   Thứ sáu: Kính Thánh Tâm Chúa, cầu cho những người tội lỗi trở về với Chúa.
+   Thứ bảy: Kính Đức Mẹ.
+   Chúa Nhật: Mầu nhiệm Phục Sinh.
-    Tham dự Thánh lễ: Vì Thánh lễ là đỉnh cao của đời sống Kitô hữu, là việc sùng kính tốt nhất và trọng đại nhất, cũng là lời tạ ơn đẹp lòng Chúa nhất để múc lấy ân sủng từ suối nguồn.
2. Dưới ánh mặt trời:
Bắt đầu ngày mới tại trường học, sở làm, hãy lấy Lời Chúa là đèn soi khi chọn lựa bất cứ quyết định hay thái độ nào.
Sống ngày đã dâng với niềm vui, tin tưởng phó thác nơi Chúa.
-    Tích cực: làm nhiều việc đạo đức thiêng liêng, bác ái, sống hòa thuận, yêu thương và giúp đỡ tha nhân.
+   Trước mỗi việc quan trọng: cầu nguyện và dâng lên Chúa với ý hướng muốn làm theo ý Chúa. Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết sức mạnh của lời cầu nguyện. “Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện thì anh em sẽ được” (Mt 21, 22).
+   Gặp những vất vả khó khăn: biết điều chỉnh trạng thái tâm hồn, biết bình tĩnh nhận sự mất mát dưới cái nhìn của Đức Tin ta sẽ tìm được sự thư thái và bình an. Hãy chấp nhận đau khổ để chia sẻ các khổ nạn của Chúa trên Thánh giá.
+   Khi gặp vui sướng: hãy liên kết cùng niềm vui Chúa Phục Sinh và tạ ơn Chúa.
+   Chu toàn bổn phận hàng ngày: Đời sống thánh thiện không phải do làm những việc phi thường, nhưng chu toàn những bổn phận tầm thường hàng ngày cách phi thường, với tinh thần đức tin, với tinh thần trách nhiệm và với lương tâm nghề nghiệp. Như vậy, mỗi chúng ta sẽ giúp ích cho xã hội, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, mọi người sẽ ấm no hạnh phúc hơn.
Một nông dân biết chăm bón ruộng lúa khỏi thiếu phân nước, khỏi sâu rầy. Người trồng hoa tô điểm cho cuộc sống thêm muôn màu muôn vẻ. Cả đến người quét đường tầm thường cũng có công lớn trong việc làm sạch đường phố, tạo không khí trong lành, giữ gìn môi trường không ô nhiễm, hợp vệ sinh.
Trái lại: sự sơ hở của một công nhân kỹ thuật, có thể tạo thiệt hại dây chuyền cho các khâu khác. Một điều dưỡng chậm trễ vài phút có thể làm thiệt mạng một bệnh nhân.
-    Tiêu cực: Tránh xa những hành vi không phù hợp với Lời Chúa. Trong cuộc sống bon chen hôm nay, người ta muốn chiến thắng người khác bằng những lời nói không trung thực để  nâng mình lên và làm hại người khác. Không làm chứng gian, nhưng bênh vực lẽ phải. Cần lưu ý là: không thực thi bác ái, sống lãnh đạm chính là lỗi lớn về đức ái cần phải tránh.
Đừng quên lời chúc bình an của linh mục ở cuối lễ: “Chúa ở cùng anh chị em … Chúc anh chị em ra đi bình an”. Vâng Chúa Giêsu đã hứa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Chúa mong muốn ta được bình an đích thực của Chúa. Chúng ta hãy lắng nghe và sống Lời Chúa trong từng phút giây của đời ta.
3. Khi màn đêm buông xuống:
Thành thực biên sổ hoa thiêng: dâng lễ, rước lễ, hy sinh, các việc tông đồ.... Hãy xem việc ghi sổ hoa thiêng như là những trang nhật ký viết về người mình yêu thương.
Kiểm điểm lại cả ngày sống: tôi có làm điều gì làm buồn lòng Chúa? Có giữ đầy đủ các việc đạo đức trong ngày không?
Có những sai lỗi, thiếu sót gì trước mặt Chúa: tư tưởng, lời nói, việc làm? Có sống thiếu bác ái? Có những lỗi lầm nào với tha nhân… ? Xin Chúa tha thứ và quyết tâm không tái phạm.
Hãy vui mừng vì những việc tốt đã thực hiện và cố gắng phấn đấu để thăng tiến hơn.
4. Kinh tối:
Tạ ơn Chúa về một ngày sống tốt, về những việc làm đẹp lòng Chúa. Thống hối về những lỗi lầm, thiếu sót trong ngày và quyết tâm sửa đổi.
Dâng lên Chúa một đêm ngủ an bình. Như vậy, Sống Ngày Thánh Thể là sống ngày đã hiến dâng cho Chúa trong sự cầu nguyện liên tục và hy sinh, trong tâm tình cảm tạ tri ân, kết thúc bằng những hồi tâm kiểm điểm trung thực.
 IV.HIỆU QUẢ CỦA SỐNG NGÀY THÁNH THỂ:
Sống ngày Thánh Thể là phương pháp giáo dục siêu nhiên của phong trào TNTT. Một người không thể sau một đêm ngủ dậy, vươn vai là thành Thánh.
Như ông bà thường nói: “Dạy con từ thuở còn thơ” hoặc “Uốn tre,uốn thuở còn măng”
Một đoàn sinh Thiếu nhi Thánh Thể được luyện tập nên Thánh từng ngày một, như lời Chúa đã dạy “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện”, bằng cách sống ngày Thánh Thể. Dần dần đoàn sinh biết:
-    Kết hợp với Đức Kitô, và cùng với tha nhân trở nên một thân thể.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với bàn tiệc của Người và nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời, bằng Thịt và Máu của Người. Khi rước Mình và Máu của Người nơi ta có sự biến đổi: thịt và máu chúng ta thành chính Thịt và Máu của Người. Thánh Augustinô nói: “Nếu bạn là thân mình và chi thể của Người, thì bạn sẽ tìm thấy trên bàn tiệc thánh mầu nhiệm của chính bạn. Phải, bạn lãnh nhận mầu nhiệm của chính bạn”. Chính trong khi sống ngày Thánh Thể cách tự nguyện ta sẽ càng ngày càng giống Chúa hơn.
-    Khi đã giống Chúa, chúng ta sẽ ra khỏi nếp sống theo xác thịt, thù nghịch cùng Thánh Thần và đức bác ái.
Và như thế, ta sẽ can đảm hy sinh cho tha nhân như thánh Gioan đã viết: “Người đã thí mạng Người cho ta, nên ta cũng thí mạng mình cho anh em” (1 Ga 3,16).
Hoạt động tông đồ của chúng ta trở nên hữu hiệu bằng chính cuộc sống chứng tá của chúng ta.
Muốn có hiệu quả tốt đẹp, chúng ta phải sống ngày Thánh Thể một cách ý thức, tự  nguyện và tự do trong TÌNH YÊU. Đức Giêsu đã nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lạ i trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
Hoa trái ở đây chính là sự thánh thiện của một đời sống kết hợp với Đức Kitô.