• Trang chủ

3. Khung cảnh Thánh Kinh

HUYNH TRƯỞNG CẤP 2KHUNG CẢNH THÁNH KINH

Lời Chúa trong Thánh Kinh là nền tảng và là chất liệu giáo dục thiếu nhi, nghĩa là Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh; Đường lối, Tôn chỉ, Phương pháp đều dựa vào và thấm sâu trong Lời Chúa. Lời Chúa bao trùm và hướng dẫn mọi hoạt động của Phong Trào. Tóm lại: Phong Trào hoạt động trong Khung cảnh Thánh Kinh.
Khung cảnh Thánh Kinh đích thực là khoảng không gian và thời gian trong lịch sử, nơi đó, lúc đó diễn ra những việc Thiên Chúa đã nói với nhân loại; và sau này được ghi lại trong Thánh Kinh.
I. TẠI SAO GIÁO DỤC THIẾU NHI BẰNG KHUNG CẢNH THÁNH KINH?
Khung cảnh cũng có nghĩa là hình ảnh và sự kiện diễn ra trước mắt khiến người chứng kiến dễ cảm nhận, dễ nhớ và nhớ lâu.
Những cuộc du khảo nhằm mục đích cho học sinh, sinh viên thấy tận mắt những điều bài học vừa được trình bày. Những cuộc hành hương về Thánh Địa nhằm mục đích giúp cho khách hành hương thấy lại nơi mà xưa kia Thiên Chúa đến với nhân loại; nơi xưa kia Chúa Giêsu, Con-Thiên-Chúa-Làm-Người đã sinh ra, lớn lên và hoàn thành Sứ Vụ Cứu Chuộc. Nhờ đó họ hiểu rõ hơn, nảy sinh tâm tình biết ơn và yêu mến.

II. ÁP DỤNG KHUNG CẢNH THÁNH KINH CHO ĐOÀN SINH THẾ NÀO?
Tất cả chiều dài của Lịch sử Cứu độ chỉ nhằm loan báo về Con Người duy nhất: ĐỨC GIÊSU CỨU THẾ và về một sự kiện duy nhất: Đức Giêsu Giáng thế làm người, rao giảng, chịu chết, Phục sinh để Cứu chuộc nhân loại. Chúa Giêsu, Thiên-Chúa-Làm-Người, đã sinh ra, lớn lên và sống như mọi người ngoại trừ tội lỗi là lý tưởng, khuôn mẫu cho chúng ta noi gương. Nói cách khác, Thánh Kinh là đường dẫn tới Chúa Kitô.
Vậy Khung cảnh Thánh Kinh áp dụng cho sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể và cho việc giáo dục đoàn sinh từng lứa tuổi chính là cuộc đời Chúa Giêsu.

1. Chúa Giêsu thời Ấu thơ: biến cố Truyền tin, thăm viếng; hang Bêlem, nơi Chúa Giêsu sinh ra; cuộc di tản, tỵ nạn sang Ai Cập; Cuộc sống ngoan hiền, yêu thương; Cảnh sống ẩn dật, gia đình đầm ấm, yêu thương, bình an là khung cảnh thích hợp cho các em Ấu nhi là tuổi biết suy nghĩ, thích sống theo nhịp êm đềm bình thản. Muốn có thời giờ để nhìn ngắm, lắng nghe, tìm hiểu. Châm ngôn sống của các em là NGOAN. Ngoan theo gương Chúa Giêsu.
-    Mục đích giáo dục tuổi Ấu là giúp các em từng bước trở thành những ấu nhi ngoan ngoãn, đơn sơ, thật thà trong môi trường gia đình, học đường, đoàn thể; với bạn bè và mọi người các em gặp trong đời sống.
-    Chất liệu giáo dục các em là những việc là m, bài học, bài ca, trò chơi xoay quanh các đề tài Thánh Kinh ngắn gọn, dễ hiểu và các đề tài mang tính giáo dục thực hành, đơn giản, cụ thể, phù hợp với tầm hiểu biết, và trí tưởng tượng của các em (trẻ biết cảm phục và thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, do đó giàu cảm quan tôn giáo và nhạy cảm với các mầu nhiệm). Gương sống của Ấu nhi là Chúa Giêsu thời thơ ấu: ngoan ngoãn, đơn sơ, biết cầu nguyện, vâng lời và chu toàn bổn phận. Nên tập cho trẻ dùng Thánh vịnh ca ngợi Thiên Chúa qua các vẻ đẹp của thiên nhiên.
-    Tạo ra khung cảnh Thánh Kinh cho tuổi Ấu là tận dụng, hoặc tạo lại những cơ hội “nghe, nhìn” như các dịp lễ Truyền Tin, Giáng Sinh, Ba Vua, lễ Thánh Gia, dâng Chúa trong Đền Thờ, kết hợp với dịp tết nhi đồng (Trung Thu), ngày Quốc Tế Thiếu Nhi... nhằm giúp các em hình dung cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu, nơi và lúc Chúa Giêsu sinh ra, lớn lên và sống ngoan ngoãn trong gia đình êm ấm, nơi đó cha mẹ yêu thương, chăm sóc con; con yêu mến vâng lời, sẵn sàng giúp đỡ cha mẹ. Lương tâm chớm nở: trẻ tự mình đánh giá được các hành vi, phân biệt thiện ác, có thể chọn lựa thiện ác,... dấu hiệu là trẻ trở nên e lệ, khép kín, không còn hồn nhiên như trước, trẻ muốn biết tại sao khuyên làm điều này tránh điều kia...

2. Chúa Giêsu thời Niên Thiếu: sống hy sinh, vâng phục ý Thiên Chúa; được dạy dỗ, yêu thương, biết phụ giúp cha mẹ… là khung cảnh thích hợp cho tuổi thiếu nhi. Châm ngôn sống của các em là HY SINH.
-    Mục đích giáo dục tuổi thiếu là giúp các em, từ căn bản ngoan ngoãn của tuổi Ấu, từng bước trở nên người biết sống cho và sống với người khác; biết đón nhận người khác trong cái hay và cái dở của họ; biết cộng tác với người khác, hy sinh cho nhau mà cụ thể là trong gia đình, nơi học đường, đoàn thể và những người các em gặp trong đời sống. Trẻ tuổi này có thể chịu đựng, cố gắng, chú ý bền hơn.
-    Trẻ dễ bị thế giới bên ngoài lôi cuốn, những gì nghe thấy, sờ được sẽ lôi cuốn chú ý và  sự thích thú của chúng, tuổi “thực nghiệm”. Chất liệu giáo dục các em ngành Thiếu là  những việc làm, bài học, trò chơi, bài hát xoay quanh các đề tài Thánh Kinh, ngắn gọn, dễ hiểu nhưng đòi hỏi chút ít suy nghĩ (vì tuổi thiếu bắt đầu biết thắc mắc) và những đề  tài mang tính giáo dục phù hợp với tầm hiểu biết và óc phán đoán đang chớm nở của các em.
-    Gương sống của các em là Chúa Giêsu thời niên thiếu vâng lời và hy sinh. Tạo ra khung cảnh Thánh Kinh cho tuổi Thiếu, tuổi bắt đầu thắc mắc, là tận dụng hoặc tạo ra những cơ hội giúp các em suy nghĩ, trình bày ý kiến để được giải thích và hiểu về những biến cố và thái độ sống thời niên thiếu của Chúa Giêsu trong Thánh Gia, trong Đền Thờ, nơi xóm ngõ... Chúa Giêsu đã sống vâng lời và hy sinh. Từ đó giúp các em suy nghĩ và chọn lựa cách sống tận tụy, hy sinh trong từng môi trường, bằng những hy sinh nhỏ bé làm nền cho các em biết dấn thân trong môi trường lớn, “luôn nhìn Thánh Giá gặp khổ vẫn vui”. Trẻ thích hoạt động hơn suy nghĩ, không thích được bao che, hoặc gây cảm tình với người khác, nhưng thích quan sát người lớn làm việc, thích khám phá cách sử dụng máy móc, chế tạo đồ vật, có óc thực tiễn, chỉ nhằm kết quả, thích chuyện phiêu lưu, chú trọng qui luật hành động, không thích chuyện thần tiên. Trẻ thường sống theo thói quen đều đặn, nên tập cho trẻ những tập quán tốt, những việc đạo đức đều đặn và trung kiên nhưng phải khơi động tinh thần bên trong, tránh làm theo hình thức, máy móc.

3. Chúa Giêsu thời rao giảng với bước đường ngang dọc loan báo Tin Mừng; thực thi Thánh Ý Cha; Chinh phục, cứu độ muôn dân là khung cảnh giáo dục dành cho tuổi Nghĩa sĩ, những người trẻ tràn sức sống sẵn sàng tham gia, nối tiếp bước đường rao giảng của Chúa Giêsu. Châm ngôn sống của các em là CHINH PHỤC.
-    Mục đích giáo dục tuổi Nghĩa là giúp các em, từ căn bản ngoan ngoãn của tuổi Ấu và  hy sinh của tuổi Thiếu, từng bước trở nên người trưởng thành: biết phán đoán chính xác; biết suy nghĩ độc lập; có lương tâm trong sáng; có lòng trắc ẩn; có tinh thần bác ái, bất vụ lợi, sẵn sàng quảng đại dấn thân vì đại nghĩa.
-    Vì tuổi Nghĩa là tuổi chuyển tiếp, tuổi bất ổn và hay chống đối, mang tiếng là vô kỷ  luật, khó dạy, tỏ ra mình đã lớn (không còn là trẻ con mà chưa là người lớn) Chất liệu giáo dục các em Nghĩa là những việc làm, bài học, công tác, trò chơi, bài hát xoay quanh các đề tài Thánh Kinh và  những đề tài mang tính giáo dục, dấn thân, phục vụ  phù hợp với tuổi đầy tiềm năng, tuổi “nổi dậy và nghĩa hiệp” của các em.
-    Tuổi dậy thì: trẻ chú ý đến những gì liên quan đến thân xác và sự sống, đồng thời trẻ trở nên đa cảm và mơ mộng, cần giúp chúng giữ quân bình. Gương sống của tuổi Nghĩa là Chúa Giêsu Thời Rao Giảng. Chúa đã sống, làm việc theo Thánh Ý Chúa Cha; Chúa yêu thương chữa lành, đã rao giảng và xua trừ ma quỷ, thẳng thắn khi cần, đã không thỏa hiệp với thế gian, tội lỗi.
-    Tuổi này mơ ước hơn là nhìn rõ thực tế và ít khi thực hiện nổi điều đã dự định. Trẻ dễ  phấn khởi vì lý tưởng nhưng lại mau chán trước thực tế. Tuy nhiên trẻ biết quảng đại, cố     gắng dám hy sinh, cần nâng đỡ trẻ đừng nản lòng ngay cả khi thất bại, tập cho trẻ sống trong hy vọng. Tạo ra Khung Cảnh Thánh Kinh cho tuổi Nghĩa là tận dụng hoặc tạo ra những cơ hội cho các em tiếp cận Lời Chúa; học hỏi, suy nghĩ và tập sống Lời Chúa, để được Lời Chúa biến đổi. Lời Chúa đến với con người không dừng lại ở những chữ viết, như là mớ kiến thức, nhưng Lời Chúa đòi hỏi con người phải đáp trả bằng việc làm, bằng đời sống qua việc chiến thắng sự dữ, chinh phục các tâm hồn đưa họ về với Chúa. Đó là cách em Nghĩa sĩ sống châm ngôn Chinh Phục của mình vậy.
-    Tuổi này ngưỡng mộ cuộc đời cao cả, gương sáng của các anh hùng và thánh nhân. Đối với tuổi này nên nhấn mạnh đến tiếng gọi của thánh nhân hơn là đến vâng lời, kỷ  luật và vâng phục. Cuộc đời của thánh Phaolô cũng là gương mẫu cho các em.

III. KẾT LUẬN 
Bắt nguồn từ nhận thức rằng “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” con người rất dễ chịu ảnh hưởng và bị cuốn hút bởi môi trường họ đang sống, nhất là trẻ nhỏ.
Muốn cho các em hít thở bầu khí đạo đức, thánh thiêng, cần phải đưa các em vào môi trường thiêng thánh – tức là Khung cảnh Thánh Kinh – bằng các sinh hoạt được khơi nguồn từ Thánh Kinh như bài hát, trò chơi, băng reo, vào sa mạc, Lửa Thiêng Thánh Thể, bên cạnh các bài giáo lý, suy niệm, chia sẻ Lời Chúa cộng với những sinh hoạt đạo đức như dâng ngày, dâng lễ, viếng Chúa, lần hạt,… Những sinh hoạt khơi nguồn từ Thánh Kinh này sẽ dần dần thấm sâu vào tâm hồn các em và trở thành chất dinh dưỡng cho các em trong cách suy nghĩ, cách nhìn, cách phản ứng trước các biến cố, hoàn cảnh sống đời thường. Tất cả đều phản ánh Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh.
Tóm lại: Dạy về Chúa Giêsu tốt nhất là dẫn các em đến sống với Chúa trong khung cảnh cuộc đời của Ngài.