• Trang chủ

21. Những yếu tố làm sinh động buổi họp

HUYNH TRƯỞNG CẤP 2

Hội họp là một sinh hoạt quan trọng của bất kỳ đoàn thể nào, đồng thời còn là  phương pháp giúp đào luyện và thăng tiến đoàn sinh. Để buổi họp đạt kết quả tốt đẹp, các Huynh Trưởng cần lưu ý mấy điểm chính sau:
I. SOẠN CHƯƠNG TRÌNH HỌP
Đừng ai chủ quan cho rằng: tôi được Chúa cho có tài ăn nói hoạt bát, trí nhớ tốt, lại thông minh, có óc phán đoán và khôn ngoan, ứng biến như thần trong mọi tình huống hay bất trắc xảy ra, do đó không cần phải soạn chương trình họp. Đây là một ý tưởng ngông cuồng, vô cùng tai hại và hậu quả xấu chắc chắn chúng ta sẽ phải lãnh nhận.
Có những Trưởng vì không chuẩn bị chương trình nên mở đầu không biết nói thế nào, không biết dẫn người ta đến đâu, nên tinh thần bất ổn, đầu óc rối loạn, chân tay run rẩy, ăn nói lắp bắp. Họ chỉ có những bài hát “tủ”, những câu nói “sáo”, kỳ họp nào cũng đem ra sử dụng, gây bầu khí chán nản, buồn tẻ hoặc những từ ngữ lặp đi lặp lại nghe thật nhàm tai.
Để buổi họp được sinh động, chương trình cần phải soạn thật kỹ, tiên liệu những nét tổng quát, cũng không bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt nhất (cần thiết ghi vào sổ tay làm bửu bối) như dạy về chuyên môn: tập hát, băng reo, trò chơi… đến những bài học về phong trào, kinh thánh, giáo lý, nhân bản… Đồng thời ghi rõ những ưu điểm trong tuần (tháng) vừa qua về các mặt sinh hoạt đạo đức, tinh thần đoàn kết sống chung trong Đoàn và xem xét và ghi nhận các sự việc phát sinh để tìm cách giải quyết.
 II.      CHỌN ĐỊA ĐIỂM THÍCH HỢP
Đã có chương trình họp trong tay, chúng ta cần tìm nơi thuận tiện, tránh ảnh hưởng ngoại giới như: xe cộ, người qua lại gây ồn ào làm các em phân tâm không tiếp thu bài được. Thí dụ: một buổi họp được tổ chức gần nơi đoàn xiếc đang trình diễn hoặc gần chiếc xe đang quảng cáo thuốc diệt chuột, bánh mì Saigon… thì làm sao đạt kết quả.
Nơi hội họp cần đủ chỗ ngồi, sinh hoạt thoải mái và âm thanh truyền đạt đến các em thật dễ nghe.
Cũng phải dự liệu một nơi hội họp khác trong trường hợp đột xuất: có mưa, nắng, ...
III. PHÂN CÔNG CHO CÁC TRƯỞNG KHÁC
Dù Trưởng có nhiều khả năng cách mấy cũng khó thành công hoặc thu hút được các em khi một mình đảm nhận công việc từ A đến Z, trong một buổi sinh hoạt học hỏi. Để giúp bầu khí sinh động, gây tinh thần hăng hái nơi các em, cần biết phân công cho các Trưởng khác tùy theo khả năng mỗi người để cùng kết hợp hướng dẫn các em về chuyên môn, giáo lý, Kinh Thánh, phong trào, nhân bản… (thay đổi người nói cũng là thay đổi bầu khí và cung cách trình bày ...)
 IV. NHỮNG YẾU TỐ KHÁC
Ngoài 3 điểm chính yếu sau đây, chúng ta cần có thêm những yếu tố khác không kém phần quan trọng, để hỗ trợ cho buổi họp đạt kết quả.
1.  Trật tự và kỷ luật
“Có kỷ luật, sẽ có tất cả”, khẩu hiệu thường được dùng trong nhà trường, hoặc “kỷ luật là sức mạnh” đã nói lên tầm mức quan trọng của kỷ luật. Đúng vậy, một Trưởng có óc tổ chức phải biết khuyên bảo, nhắc nhở các em giữ trật tự và có  tinh thần kỷ luật, như vậy các em mới tiếp thu bài học được tốt.
Chính bầu khí kỷ luật và trật tự cũng cho thấy bài học hấp dẫn các em, khiến các em ngồi im phăng phắc.
 2. Chất giọng của Trưởng
Muốn gây sự chú ý nơi các em, Trưởng cần có giọng nói tương đối lớn, phát âm phải dứt khoát, rõ ràng, không lắp bắp, lí nhí hoặc nhỏ quá, khiến các em phải cố gắng nghe, phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần, gây ồn ào mất trật tự. Tùy trường hợp, có thể dùng giọng diễn cảm để diễn tả tình tiết trong câu chuyện về Thánh Kinh, nhân bản… lúc to lúc nhỏ, hoặc khi tập hát.., hầu gây bầu khí sinh động giúp tinh thần các em thoải mái tiếp thu bài tốt hơn.
 3. Tư thế và tác phong của Trưởng
Tác phong và tinh thần của Trưởng trong một buổi họp, ảnh hưởng nhiều đến sự  thành công hay thất bại. Các em nhìn Trưởng như tấm gương soi để học hỏi và bắt chước. Vì vậy, nhất cử nhất động từ đi đứng, nói năng, đến trang phục, cần chú ý tránh gây những ấn tượng không tốt. Ví dụ: một Trưởng đến sinh hoạt với các em mà tóc tai bù xù, áo bỏ ngoài quần, nói năng quàng xiên, cười giỡn ngả nghiêng, điệu bộ khó coi, chắc chắn sẽ tác động xấu và đón nhận phản ứng nơi các em là sự coi thường và bất tuân.
 4. Gây bầu khí vui tươi
Phương pháp của TNTT là “vui mà học, học mà vui” một buổi họp từ đầu đến cuối không một tiếng cười, quả thật buồn chán. Vì vậy, chúng ta cần hòa mình với các em bằng cách gây bầu khí vui tươi qua các bài hát, câu chuyện ngắn vui, dí dỏm, hoặc các động tác hay cử điệu uốn éo, ẻo lả trong sinh hoạt, phù hợp với lứa tuổi của ba ngành, tạo tinh thần hăng say, phấn khởi.
 5. Vốn liếng chuyên môn
Phong trào phát triển đều cả hai mặt tự nhiên và siêu nhiên.
Một người chỉ giỏi về Giáo lý - Thánh kinh không chưa đủ. Cần trau dồi tích lũy cho mình thêm vốn liếng về chuyên môn như có những trò chơi, bài hát, chuyện ngắn vui, nhí nhảnh, mới lạ, hầu gây sự thán phục.
 6. Thưởng phạt
Một buổi họp cần có hình thức thưởng phạt, từ đó kích thích các em cùng tham gia tích cực hơn.
+   Thưởng: Trưởng nên tuyên dương và khen thưởng các em ngoan giỏi, chịu khó học hỏi, có ý chí cầu tiến ở các mặt, làm nhân tố kích thích các em khác bằng việc thưởng vật chất như: bánh kẹo, bút, sách, vở… hoặc bằng tinh thần như phát giấy khen…
+  Phạt: Cần có hình thức phê bình và phạt các em vô kỷ luật, ươn lười, không chịu học hỏi qua các trò chơi có tính uốn nắn, giáo dục.
 V.      ĐÁNH GIÁ RÚT ƯU KHUYẾT ĐIỂM
Sau mỗi buổi hội họp, các Trưởng cần ở ngồi lại để rút ưu khuyết điểm. Những ưu điểm chúng ta càng củng cố phát huy hơn nữa. Những mặt khiếm khuyết chúng ta cố gắng khắc phục để buổi họp sau càng thêm phong phú, thăng tiến hơn.
Kết luận:
Nói tóm lại, muốn buổi họp sống động, ngoài những bí quyết vừa nêu, mỗi người Trưởng chúng ta cần kín múc ân sủng từ Chúa Giêsu Thánh Thể và chính nhờ ơn Chúa, sự vững tin, tính vui vẻ, sẽ đem lại cho cá c em tinh thần hăng say ham học hỏi, và sau một buổi họp, sự thành công chắc chắn sẽ đến với chúng ta.
[Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 2]