• Trang chủ

HUYNH TRƯỞNG 1

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC THIẾU NHI THÁNH THỂ

Muốn đạt tới mục tiêu làm việc phải có phương pháp. Trong việc giáo dục thiếu nhi, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể dùng 2 phương pháp: phương pháp Tự nhiên và phương pháp Siêu nhiên.
I. PHƯƠNG PHÁP TỰ NHIÊN (PPTN)
Phương pháp tự nhiên nhằm giáo dục thiếu nhi về đời sống nhân bản, dưới 2 khía cạnh: tinh thần như Tinh thần trách nhiệm, Lòng hiếu thảo, Tính quảng đại, Óc phán đoán; và thể chất như Khéo tay, Vệ sinh, Bảo vệ sức khỏe…
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể dùng 5 PPTN:
1. Phương pháp hàng đội: Nhằm:
-    Huấn luyện tinh thần đồng đội, tinh thần trách nhiệm tự quản để các em biết quan tâm săn sóc nhau.
-    Giúp các em có cơ hội tự đào luyện bản thân và giúp nhau thăng tiếng.
-    Giúp việc tổ chức và giáo dục đạt hiệu quả cao.
-    Giúp từng em được quan tâm và giáo dục.
2. Hội họp:
Là sinh hoạt không thể thiếu của Thiếu Nhi Thánh Thể. Thông qua hội họp, các em được:
-    Gặp nhau thường kỳ. từ đó nảy sinh tình thân ái, tình đồng đội, biết sống cho và sống với tha nhân.
-    Học tập để đào sâu đời sống tâm linh, nhân bản; trau dồi kỹ năng chuyên môn, chuẩn bị cho đời sống trưởng thành mai sau.
3. Sinh hoạt vui:
Sinh hoạt vui là điều kiện cần trong việc giáo dục thiếu nhi. Sinh hoạt vui như “chất dẫn, chất xúc tác”
-    Giúp các em dễ dàng hấp thụ nội dung học tập.
-    Giúp giáo dục các em ngay trong sinh hoạt, như lòng ngay thẳng, thành thật, sự hăng hái, tình đồng đội…
-    Giúp củng cố và ghi sâu các bài học.
Các sinh hoạt vui TNTT thường sử dụng là:
-    Ca, múa, tiếng reo, kể chuyện, kịch nghệ…
-    Trò chơi lớn, nhỏ, cắm trại…
4. Chương Trình Thăng Tiến:
Chương Trình Thăng Tiến là hệ thống giáo dục đoàn sinh, được soạn thảo theo tiến trình từ dễ đến khó; từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với đặc tính tâm lý của từng lứa tuổi.
Chương Trình Thăng Tiến TNTT có 4 phần chính:
a)     Giáo lý (Tín lý, Thánh Kinh, Bí tích – Phụng Vụ, Luân lý, Cầu nguyện)
b)    Nhân bản
c)     Hiểu biết về Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể.
d)    Các kỹ năng chuyên môn.
5. Vào sa mạc:
Vào sa mạc là cách giáo dục thiếu nhi trong môi trường thiên nhiên. Giữa thiên nhiên các em dễ:
-    Hướng tâm hồn lên, gặp gỡ Chúa trong tĩnh lặng ca tụng Chúa khi ngắm nhìn thiên nhiên.
-    Thoát ra khỏi những lo toan thường ngày, dễ nảy sinh tâm tình đạo đức.
-    Đời sống trại giúp các em thắt chặt tình thân ái vì sống chung nên dễ hiểu nhau hơn, biết đón nhận nhau.
-    Có cơ hội học tập những điều mới và thực hành những điều đã học.
II. PHƯƠNG PHÁP SIÊU NHIÊN (PPSN)
Phương pháp Siêu nhiên nhằm giáo dục các em về đời sống tâm linh; Giúp các em khai mở, thăng tiến ý thức và sống mối tương quan với Chúa. Các PPSN xây dựng trên 2 nền tảng chính là Thánh Thể và Thánh Kinh. Giúp các em kết hợp nên một với Chúa qua Bí Tích Thánh Thể, yêu mến học hỏi và sống Lời Chúa. PPSN gồm:
1. Ngày Thánh Thể
Sống từng ngày kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng ý thức và việc làm suốt cả thời khóa biểu sống của ngày đó, từ khi thức giấc đến lúc nghỉ đêm, qua việc:
-    Tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ.
-    Dâng ngày, vui vẻ mau mắn chu toàn bổn phận
-    Cầu nguyện trước và cảm ơn sau mỗi quyết định, việc làm
-    Cầu nguyện tìm ý Chúa mỗi khi có biến cố, vui buồn, xảy đến với mình, hoặc với người xung quanh.
-    Xét mình khi đêm về. Xin Chúa tha thứ lỗi lầm và giúp em mỗi ngày nên tốt hơn…
Nhờ việc sống ngày Thánh Thể giúp các em dần dần đi vào mối tương quan biệt vị với Chúa trong từng giây phút của đời sống; ở mọi nơi; trong mọi hoàn cảnh.
Ngày Thánh Thể có thể áp dụng cho cá nhân cũng như cho tập thể (Chi đoàn, đoàn, sa mạc…)
2. Giờ Thánh Thể: Là:
-    Cao điểm của việc sống ngày Thánh Thể.
-    Giờ phút tâm tình, thờ lạy Chúa trước Thánh Thể, thời gian dài, ngắn không đáng kể nhưng thường xuyên đến gần và tâm sự với Chúa.
-    Biểu lộ tình hiệp thông với nhau khi quây quần quanh Chúa Thánh Thể. Từ đó gia tăng lòng mến Chúa (chiều dọc) và nảy sinh tình bác ái (chiều ngang)
Các em, cũng như mỗi người cần được học để biết tâm sự với Chúa, viếng Chúa, tham dự Giờ Thánh Thể thật sốt sắng, nhờ đó mỗi ngày hâm nóng thêm mãi lòng mến Chúa và tình yêu tha nhân.
3. Học hỏi và Sống Lời Chúa:
Thánh Phêrô đã tuyên xưng: “Bỏ Thầy con đi với ai, vì Thầy có Lời ban sự sống”. Trong các buổi họp, Phong Trào huấn luyện các em cách đọc, suy niệm và sống Lời Chúa. Việc học hỏi và sống Lời Chúa giúp các em nhìn đời, suy nghĩ, đánh giá sự kiện và phản ứng trước các tình huống trong đời sống theo tinh thần Tin Mừng.
4. Khung cảnh Thánh Kinh
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh. Nghĩa là từ lý thuyết đến thực hành; đường lối, phương pháp, tôn chỉ đều bén rễ trong Lời Chúa.
Trong lĩnh vực tôn giáo, khung cảnh linh thiêng phải được diễn ra liên tục và sống động để nuôi dưỡng đức tin. Khung cảnh Thánh Kinh tái tạo một không gian nhất định trong lịch sử, nơi đó, lúc đó diễn ra những việc Thiên Chúa làm cho con người; những Lời Thiên Chúa đã nói với con người và sau này được Thánh Kinh ghi lại.
Khi dạy các em về Giáo lý, Lịch sử Cứu độ, cuộc đời Chúa Giêsu tùy theo lứa tuổi, Phong Trào cố gắng xây dựng một khung cảnh sinh động, nơi đó Con Thiên Chúa đã sống, đã gặp gỡ, đã cầu nguyện,… hình ảnh sẽ giúp các em dễ hiểu và nhớ lâu.
5. Bầu khí Thánh Kinh
Mục đích giáo dục không chỉ là hiểu và nhớ lâu, nhưng còn giúp các em có được tâm tình, thái độ và hành động đáp trả. Tức là SỐNG. Khung cảnh Thánh Kinh được tổ chức thành công khi giúp các em lạc vào cõi Thánh Kinh với những lời nguyện, bài ca, trò chơi, tiếng reo, vũ khúc đượm màu Thánh Kinh tạo nên bầu khí Thánh Kinh, trong đó các em hít thở, vui đùa và SỐNG.
Hai phương pháp Siêu nhiên và Tự nhiên đều được coi trọng và phối hợp hài hòa sẽ giúp hoàn hảo việc giáo dục thiếu nhi, giúp các em phát triển toàn diện – tâm linh và thể chất – như mục đích của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể nhắm tới.
[Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 1, bài 3]

  LUẬT SỐNG VÀ LỜI HỨA TNTT 

I. LUẬT SỐNG THIẾU NHI THÁNH THỂ

Nhằm mục đích đào luyện thiếu nhi thành những người kiện toàn và những Kitô Hữu hoàn hảo, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể đưa ra Mười Điều luật sống về mặt tâm linh và nhân bản cho các em thực tập hàng ngày, để những việc đó theo thời gian thấm sâu trong đời sống, làm nền tảng đạo đức cho các em trở thành người trưởng thành.
Mười điều Luật đó là:
1. Thiếu nhi mỗi sáng dâng ngày,
Làm cho đời sống hóa nên LỜI CẦU.
2. Thiếu nhi TÔN SÙNG THÁNH THỂ;
Siêng năng Rước Lễ, Viếng Chúa hằng ngày.
3.Thiếu nhi HY SINH chịu khó,
Luôn nhìn Thánh Giá, gặp khổ vẫn vui.
4. Thiếu nhi nhờ Mẹ cố gắng;
Quyết làm gương sáng, xứng danh TÔNG ĐỒ.
5. Thiếu Nhi VÂNG LỜI cha mẹ;
Và hết những vị chỉ huy của mình.
6. Thiếu nhi NẾT NA đằm thắm;
Giữ mình trong trắng trong cách nói, làm.
7. Thiếu nhi tận tình BÁC ÁI,
Tim luôn quảng đại mới mong giúp người.
8. Thiếu nhi giữ lòng thành THÀNH THỰC;
Nói, làm đúng mực, không dối, không ngoa.
9. Thiếu nhi CHU TOÀN BỔN PHẬN;
Việc làm đúng đắn, không bỏ nửa chừng.
10. Thiếu nhi THỰC HIỆN HOA THIÊNG;
Chân thành với Chúa, cộng biên mỗi tuần.
Điều 1, 2, 3, 4 nhắc nhở các em rèn luyện đời sống thiêng liêng: Đó là đời sống Cầu nguyện, kết hợp với Chúa qua Bí tích Thánh Thể, Hy sinh vâng phục như Chúa Kitô vâng phục Chúa Cha cho đến chết trên Thập giá, theo Mẹ để làm tông đồ, để ngày càng nên hoàn hảo trong đời sống Kitô hữu.
Điều 5, 6, 7, 8, 9 nhắc các em rèn luyện đức tính: như Vâng lời, Nết na, Bác ái, Thành thực, Chu toàn bổn phận... để trở thành người con ngoan của Chúa; nên người công dân tốt, trưởng thành.
Điều 10 nhắc các em phương thế kiểm điểm đời sống hàng ngày không những giúp các em ý thức những thiếu sót cần sửa chữa, xin lỗi Chúa và anh em; mà còn giúp các em nhìn lại những việc tốt đã làm được để cám ơn Chúa, và nỗ lực tiến thêm nữa. Đó là Hoa Thiêng. Việc thực hiện hoa thiêng không bao giờ nhắm mục đích “báo cáo thành tích thi đua việc lành”
 II. LỜI HỨA THIẾU NHI THÁNH THỂ
Tuy gọi là Luật, nhưng các em được giáo dục để đón nhận Mười Điều Luật như một hành vi tự nguyện. Và các em sẽ long trọng nói lên quyết tâm thực thi Mười Điều Luật sống này trong ngày em được chính thức nhận vào Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Trong Nghi Thức Tuyên Hứa, các em sẽ hứa: siêng năng Cầu Nguyện, Rước Lễ, sẵn sàng Hy Sinh và hăng hái Làm Việc Tông Đồ.
Mỗi khi chào, các em được nhắc nhớ: 4 ngón tay khép lại tượng trưng cho 4 tôn chỉ của Thiếu nhi là CẦU NGUYỆN - RƯỚC LỄ - HY SINH – và LÀM TÔNG ĐỒ; Ngón cái khép chặt vào lòng bàn tay nói lên quyết tâm thực hiện lời cam kết của các em.
[Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 1, bài 4]

NHỮNG ĐỨC TÍNH CẦN THIẾT CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG TNTT

 Một cộng đồng dù lớn hay nhỏ muốn tồn tại, nhất định phải có người dẫn đầu. Người đó có thể được chỉ định, hoặc do các thành viên lựa chọn, bầu lên theo quy ước hay luật lệ nào đó. Phải nhận rằng, dù được bầu hay được mặc nhiên công nhận, người đầu nhóm phải có những yếu tố khiến người trên tín nhiệm, đồng sự yêu mến, cấp dưới tuân phục và trao “số phận” cả nhóm cho. Anh chị là người có tài năng và có đức tính. Tài năng và đức tính này không chỉ do trời phú ban mà phải học và phải tập. Trong bài này, chúng ta sẽ bàn về những đức tính cần thiết của người huynh trưởng.
1.     QUẢNG ĐẠI: Người làm lớn phải có quả tim lớn, có tấm lòng bao dung:
-    Quảng đại để dễ chấp nhận tha nhân (Các em, các trưởng, bạn .v.v…)
-    Quảng đại để chấp nhận những khác biệt nơi anh chị em. Không chỉ nhằm được việc nhưng còn nối được nhiều bàn tay cộng tác trong công việc chung.
-    Quảng đại để biết tha thứ: Không coi những khuyết điểm quan trọng hơn những nỗ lực và thiện chí của anh chị em.
-    Quảng đại để sẵn sàng hy sinh. Cho đi thời giờ, sức lực, tài năng và cả tiền của trong việc phục vụ, mà không tính toán. Chỉ mong lợi ích cho các thiếu nhi.
Lòng quảng đại có sức thuyết phục và cảm hoá hơn quyền lực.
 2.     TỰ TIN. Lãnh đạo là người đứng cao hơn, có cái nhìn bao quát hơn, nơi họ toả ra sức mạnh làm yên tâm những người cộng tác.
-    Trưởng không tin nơi mình, sẽ không đủ sức thuyết phục các em. Tự tin phải có cơ sở khách quan: lượng giá đúng về mình, về người và về công việc.
-    Tin vào mục đích tốt mình đang nhắm tới; con đường mình đang đi; phương pháp đang áp dụng. “Trẻ em không thích những người chỉ huy hèn yếu” (cha Lacordaire). Tin rằng mình có khả năng thực hiện công việc đã suy nghĩ và chọn lựa. Người tự tin luôn lạc quan, vui vẻ, khiêm tốn.
-    Tự tin giúp người trưởng bình tĩnh, quyết đoán, sáng suốt trong công việc. Do đó dẫn đến hiệu quả cao. Người tự tin thường quả quyết, không dễ để cho người khác hoặc nghịch cảnh thay đổi ý định của mình. (Quả quyết không phải là cố chấp, độc đoán; nhưng biết lắng nghe, quan sát để chỉnh sửa công việc khi cần. Sau khi đã bàn bạc, cân nhắc thì không chùn bước).
-    Lòng tự tin của người trưởng thể hiện qua cách hướng dẫn, nó động viên những người đồng sự để họ nhiệt tâm và hăng hái làm việc.
 3.     KỶ LUẬT. Người lãnh đạo không có kỷ luật bản thân, không tôn trọng kỷ luật chung thì làm sao điều khiển.
-    Kỷ luật là đòi hỏi của bất cứ tổ chức nào. Kỷ luật là sức mạnh. Đoàn thể nào thiếu kỷ luật chắc chắn sẽ tan rã.
-    Tinh thần kỷ luật là ý thức, chấp nhận và tuân thủ các quy ước một cách tự nguyện.
-    Huynh Trưởng là người đầu tiên có bổn phận duy trì kỷ cương phép tắc trong đoàn. Do đó phải xây dựng ý thức và chấp hành kỷ luật trước khi yêu cầu các em (soạn bài, đúng giờ, đồng phục, không nói chuyện trong nhà thờ, v.v …)
-         Kỷ luật phải nghiêm minh. Nghiêm mà không minh là độc tài.
 4.     TRÁCH NHIỆM. Là lãnh đạo không thể tắc trách.
-    Trách nhiệm là gánh chịu hậu quả của lời nói hoặc việc làm của mình.
-    Ý thức trách nhiệm sẽ giúp Huynh Trưởng giữ gìn cẩn trọng lời nói, thái độ, hành động để không ảnh hưởng xấu, làm hại, hoặc xúc phạm người khác. Huynh Trưởng tự trọng luôn giữ phẩm cách của mình cách chính đáng.
-    Người có tinh thần trách nhiệm để hết tâm lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu nếu có, không né tránh, không đổ lỗi cho người khác. Tinh thần trách nhiệm là biểu hiện con người có giáo dục, văn minh.
5.     CÔNG BẰNG. Công bằng là trả lại cho người ta điều gì thuộc về họ. Lãnh đạo phải công tâm.
-    Khi khen thưởng, Trưởng không chỉ căn cứ vào thành tích đơn thuần, mà còn phải tìm hiểu nguyên nhân, động lực, hoàn cảnh để ấn định mức khen thưởng. Khen quá mức, người được khen coi thường; Khen không tới mức, người được khen phân bì, bất mãn…
-    Khi phê bình hoặc kỷ luật, Trưởng cần cân nhắc phê bình hoặc chọn hình thức kỷ luật. mục đích phê bình không để hạ nhục, làm mất thể diện nhưng tôn trọng, nhằm giúp ai đó cải thiện, tiến bộ, chứ không nói cho bõ ghét, thỏa mãn tự ái. Người được phê bình đúng sẽ cảm ơn ta và cố gắng sửa chữa. ngược lại người bị kỷ luật oan sẽ bất phục, bất mãn, tiêu cực, chống đối…
-    Phân chia công tác, không phân biệt kẻ thân, người không thân. Nhưng căn cứ vào tính chất công việc và khả năng người được giao công việc, nhằm đúng người, đúng việc.
-    Trưởng thiếu công bằng là nguyên nhân của sự chia rẽ, nổi loạn.
 6.     VÂNG PHỤC. Chúa Giêsu làm gương cho ta: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta”.
-    Vâng phục không phải là “vâng lời tối mặt” nhưng là thái độ mau mắn hành động theo ý bề trên một cách ý thức và tự do.
-    Ý hướng cứu độ và Mục đích phong trào cũng là những cấp trên mà Huynh Trưởng có bổn phận phảo vâng phục tuyệt đối, đừng chiều theo thị hiếu, vui lòng cá nhân mà bỏ qua lẽ sống của Phong Trào.
-    Huynh Trưởng vâng phục trong tinh thần đối thoại là gương mẫu cho các em vâng phục mình.
-    Huynh Trưởng vui vẻ thi hành nhiệm vụ đã được trao phó. Nếu thắc mắc thì yêu cầu giải thích hoặc đối thoại với cấp trên cách tích cực và khiêm tốn. khi cần thiết cứ thi hành trước khiếu nại sau.
7.     KHIÊM TỐN: Thánh Kinh dạy: Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng.
-    Huynh Trưởng khiêm tốn ý thức và có thái độ đúng mức trong việc đánh giá. Không quá đề cao, cũng không quá hạ thấp bản thân.
-    Người khiêm tốn không vênh vang khi thành công, hay được khen tặng; cũng không buồn, ghen khi thấy người khác hơn mình; nhưng trân trọng và sẵn sàng học tập.
-    Huynh Trưởng không kể công lao nhưng vui khi đóng góp được điều gì đó cho việc chung.
-    Huynh Trưởng không lấy lý do khiêm tốn để từ chối đảm trách 1 công việc mà mình có thể làm cho công cuộc chung. Lòng khiêm tốn có sức thuyết phục và lôi cuốn.
[Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh Trưởng cấp 1, bài 5]

  ƠN GỌI VÀ SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG

I. ƠN GỌI LÀ GÌ
Ơn gọi là Lời Thiên Chúa ngỏ với người Ngài muốn chọn và ủy thác cho họ một công việc đặc biệt trong ý định cứu rỗi của Ngài. Trong Lịch sử Cứu Rỗi Thiên Chúa đã mời gọi nhiều người. Thời Cựu ước, Thiên Chúa gọi Abraham (St 12,1), Môisen (Xh 3,10-16) rồi đến Tiên Tri Isaia (Is 6,9), Giêrêmia (Gr 1,7), Ezêkiel (Ez 3,1.4)…
Bắt đầu công cuộc rao giảng của mình, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Andrê, Gioan, Giacôbê (Mt 5,18-22); Mathêu (Lc 5, 27-28)… và các tông đồ khác. Vào thời sơ khai của Giáo Hội, Chúa đã gọi Phaolô khi ông đang trên đường bách hại Giáo Hội (Cv 9,1-6)
Như vậy, một khi ai đó được Chúa gọi, là để được Ngài trao cho một sứ mệnh, yêu cầu người đó đáp trả tùy theo hoàn cảnh riêng của mỗi người: thi hành sứ mệnh được trao. Đồng thời Ngài cũng ban ơn trợ giúp để họ hoàn thành sứ mệnh.
 II. ƠN GỌI CỦA KITÔ HỮU
Thánh Phaolô, trong thư Rôma (8,16) đã nói: “Chính Thần khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa”. Thế có nghĩa là ngay từ buổi sơ khai, Hội Thánh đã ý thức rằng đời sống Kitô hữu là một ơn gọi – Ơn Gọi Nên Thánh.
Và Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân (số 2) của Công đồng Vatican II đã nói: “Thật ra ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ.” Nghĩa là: “…hết mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp toàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa.” (TĐGD, số 3)
Trong Nhiệm thể Chúa Kitô có nhiều ân huệ, nhiều tác vụ, nhiều công việc khác nhau trong cùng một sứ mệnh: Làm cho Nước Chúa Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha. Tức là làm cho mọi người tham dự vào việc cứu rỗi…
Huynh Trưởng hay Giáo lý viên là những Kitô hữu, qua Bí tích Thánh Tẩy được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của chúa kitô, được chia sẻ sứ mạng với các tông đồ. Chúa không trực tiếp mời gọi chúng ta nhưng thông qua Giáo Hội, chúng ta được mời gọi, được sai đi, được tham gia vào công tác tông đồ của Giáo Hội.
 III. SỨ MẠNG CỦA HUYNH TRƯỞNG
Sứ mạng là trách vụ mà  một người đảm nhận cách tự nguyện hay lãnh nhận từ một lý tưởng hoặc được cấp trên trao phó. Sứ mạng của Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể là điều khiển, dạy dỗ, giáo huấn thiếu nhi theo tôn chỉ mục đích Phong Trào. Sứ mạng ấy làm cho chúng ta trở nên những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc hoàn hảo hóa con người. Người Huynh Trưởng tìm kiếm nước Thiên Chúa qua sự chăm sóc, nâng đỡ các em thiếu nhi được trao phó cho mình.
Phục vụ cho thiếu nhi là cách gieo mầm Lời Chúa bằng chính chứng tá sống động và gương mẫu của người Huynh Trưởng, sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống và suy nghĩ của các em. Ngày nay người ta tin vào những người chứng hơn là những lời rao giảng. Người Huynh Trưởng hôm nay phải có thêm một nền linh đạo vững chắc, một vốn giáo lý phong phú, đồng thời phải sống đạo cách cụ thể trong đời sống.
Ơn gọi và sứ mạng của HT TNTT thật cao đẹp, góp phần xây dựng tương lai cho xã hội và Giáo Hội đồng thời giúp định hướng đời sống cho các em, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn vì mỗi trẻ là một thế giới riêng và giáo dục con người đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Chỉ vận dụng tài năng, kiến thức và lòng nhiệt thành bản thân thì chưa đủ, cần có một tấm lòng, một đời sống nội tâm sâu sắc, vững vàng qua việc cầu nguyện liên lỉ và năng kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể là vị tướng và lý tưởng của Phong Trào: “Hãy học với Ta vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng thật trong lòng”.
Lòng nhiệt tình tông đồ thường bị cám dỗ, ngăn trở, làm cạn nhiệt huyết bởi sự nhàm chán trong công việc, những vướng bận của đời tư như bận học hành, công ăn việc làm (có khi là giả tạo), những thất bại trong việc tông đồ, sự bất đồng giữa anh chị em cùng làm việc, sự bất mãn với bề trên.
Kinh nghiệm của nhiều người cho thấy, khi “Những sự ấy” xảy ra, hãy biết rằng đã từ lâu ta làm việc Chúa mà không có Chúa. Để thi hành sứ mạng làm tông đồ cho thiếu nhi, hãy sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong sự Cầu nguyện, Rước lễ, Hi sinh và Làm việc tông đồ.
[Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 1, bài 6]

ĐỜI SỐNG ĐẠO CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG

I. HUYNH TRƯỞNG PHẢI ĐẠO ĐỨC
-    Huynh Trưởng trong Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể là anh chị, là người hướng dẫn thiếu nhi, đương nhiên phải mẫu mực cho các em noi theo về đời sống đức tin cũng như về đời sống nhân bản. Gương phải sáng; mẫu mực phải hoàn chỉnh.
-    Nói cách nào đó Huynh Trưởng là người góp phần vào việc dẫn các em đến với Chúa, và dắt các em vào đời. Do đó, Huynh Trưởng không đạo đức, không yêu Chúa làm sao hướng dẫn các em mến Chúa. Huynh Trưởng không có kinh nghiệm về Chúa là sao dắt các em đến với Chúa?
II. THẾ NÀO LÀ HUYNH TRƯỞNG ĐẠO ĐỨC
Huynh Trưởng đạo đức sẽ sống tốt đẹp mối tương quan với Chúa và với tha nhân. Đời sống toát lên đức tin sống động, đời cầu nguyện liên lỉ, niềm cậy trông vững chắc, lòng mến chân thành, sống lạc quan, xả kỷ bao dung và biết quan tâm đến người khác.
1. Về mặt siêu nhiên
Trọng tâm đạo đức của Huynh Trưởng là Chúa Kitô. Huynh Trưởng tìm gặp Ngài nơi Lời Chúa và Thánh Thể, đồng thời khám phá Người nơi anh chị em.
+   Chúa Giêsu là người bạn của Huynh Trưởng: Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúa Kitô là tất cả, là thần tượng và là lẽ sống của Huynh Trưởng.
+   Huynh Trưởng gặp gỡ Chúa Giêsu qua Lời Chúa: Đọc, suy gẫm Lời Chúa, rút ra kết luận thực hành. Lời Chúa dạy, việc Chúa làm là nền tảng cho đời sống và sứ mệnh tông đồ của Huynh Trưởng. Trau dồi kiến thức và cẩn trọng trong việc soạn bài giáo lý.
+   Huynh Trưởng gặp gỡ Chúa Giêsu nơi Thánh Thể: Thánh Thể chính là nguồn sinh lực, là động lực cho mọi hoạt động tông đồ. Huynh Trưởng sống trọn vẹn Ngày Thánh Thể và cố gắng tham dự Thánh Lễ khi có thể.
-    Khi vừa thức dậy: Cám ơn Chúa đã cho qua đêm bình an; dâng các việc sẽ làm trong ngày, xin Chúa luôn soi sáng, hướng dẫn ta trong suy nghĩ, lời nói, việc làm sao cho đúng ý Chúa, hợp đường lối Chúa.
-    Trong cuộc sống, dù gặp những việc vừa ý hay không, vẫn cảm ơn Chúa, xin Chúa soi sáng cho biết Chúa muốn nói gì với ta qua biến cố đó, mau mắn vâng phục và thực thi ý Chúa. Siêng năng viếng Chúa.
-    Đêm về: Cùng với Mẹ Maria kiểm điểm ngày sống. Cám ơn Chúa về một ngày qua. Xin lỗi Chúa vì những việc làm, lời nói, ý tưởng bất xứng. xin ơn trợ giúp để mỗi ngày nên hoàn thiện hơn. Dâng đêm cho Chúa, xin Chúa Thánh Thần soi sáng chỉ dạy những dự định của ngày mai. Tin Chúa là chủ mọi sự.
2. Về mặt tự nhiên:
-    Ăn mặc giản dị, sạch sẽ, gọn gàng, lịch sự.
-    Nói năng lễ độ với người trên, thân thiện, hòa nhã với người ngang hàng và kẻ dưới.
-    Bao dung với người làm phiền ta. Tri ân những người giúp đỡ ta. Khiêm tốn, mừng cho người may mắn thành công hơn ta. Thông cảm với người kém may mắn hơn ta.
-    Sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ những người cần đến ta. Cộng tác với những người làm việc tốt.
-    Không đồng tình với việc xấu, bất công cho dù bị thiệt thòi hay bị đe dọa.
-    Nỗ lực trau dồi chuyên môn.
 III. KẾT LUẬN
Đời sống đạo đức của mỗi người là cuộc thao dượt cả đời, không biết đến đâu là đủ. Do đó, không chờ đến lúc “đủ đạo đức” mới làm Huynh Trưởng. ngay khi “hành nghề” Huynh Trưởng ta vẫn rèn luyện đạo đức. càng đạo đức, làm Huynh Trưởng càng hiệu quả; càng tích cực làm Huynh Trưởng, càng thuận lợi trong việc rèn luyện đạo đức.
[Trích Sổ tay Huấn luyện Huynh Trưởng cấp 1, bài 7]

ĐỜI SỐNG ĐẠO CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG


Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo!
Một HT TNTT không những là một GLV, nhưng còn là một người bạn, một người anh, một người chị, một người Thầy… Các em thiếu nhi có nên người và nên thánh hay không, không phải chỉ nhờ vào lời giảng dạy của chúng ta nhưng chủ yếu là nhờ vào đời sống đạo đức (siêu nhiên) của chúng ta và nhờ vào tư cách tác phong (tự nhiên) của chúng ta nữa…
 1/. Các con hãy tin những điều mình đã học, hãy dạy những điều mình đã tin và hãy sống những điều mình đã dạy. (Lời vị Giám Mục Chủ Phong ngỏ với các Tân chức Linh Mục, Thánh Lễ Truyền chức).
2/. Mỗi chúng ta vừa là đích điểm vừa là khởi điểm của việc rèn luyện: chúng ta càng tự rèn luyện mình, càng có khả năng huấn luyện người khác. (ĐGH GP II trong Tông Huấn Kytô Hữu Giáo Dân, số 7).
3/. Học và dạy cũng là củng cố đức tin cho anh chị em mình. Bao lâu còn là phần tử của Giáo Hội Lữ Hành, chúng ta còn là học trò và còn là Thầy dạy Đức Tin bằng chứng từ cuộc sống của chúng ta. (Thư chung HĐGMVN 2007, số 21).
Lãnh sứ mệnh Huynh Trưởng, chúng ta cần huấn luyện cho mình một đời sống đạo chân chính và trưởng thành, nghĩa là không phải giữ đạo đủ để lên thiên đàng, giữ đạo tình cảm, hay chỉ lo thực hiện các việc đạo đức bề ngoài cách máy móc, nặng tính hình thức mà thiếu ý thức bên trong. Đời sống đạo của Trưởng phải toát lên một đức tin sống động, một niềm cậy trông vững chắc; một đời cầu nguyện liên lỉ; một đức ái chân thành, xả kỷ và khoan dung.
Nhưng sống đạo là gì ? Vì sao ta phải sống đạo ? Sống đạo thế nào ? Đó là 3 câu hỏi phải trả lời để làm mẫu mực cho đời sống đạo của người Trưởng.
1-    Sống đạo là gì ?
Sống đạo là thể hiện lòng tin của mình bằng đời sống. Vì đạo không phải là pháo đài mà là con đường. Trên con đường đó, chúng ta hành trình. Chúng ta phải nỗ lực thực hành Lời Chúa dạy trong đời sống hằng ngày một cách đầy đủ hầu trở thành một Kitô hữu hoàn hảo.
2-    Vì sao ta phải sống đạo ?
-    Vì đạo không chỉ là lý thuyết, không chỉ hứa hẹn
-    Ta phải sống đạo để mưu cầu hạnh phúc cho chính mình và cho những người thân yêu của mình. Là người công giáo, ta phải biết bởi đâu mà ta có ? Sống ở đời để làm gì ? Sau khi chết sẽ đi đâu ? Và phải sống thế nào để bảo đảm sự rỗi linh hồn ? Chính đời sống thể hiện những chọn lựa và niềm tin của ta.
-    Là một thiếu nhi công giáo, nên phải thể hiện nơi mình đời sống Chúa Kitô.
-    Sống đạo không phải là sống cho riêng mình. Nhưng sống đạo VÌ, VỚI và CHO người khác, nên ta phải giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người bằng chính đời sống của ta.
-    Sau cùng, vì là Huynh Trưởng, tức là người chỉ huy đoàn quân tí hon, nên phải :
Sống đạo để điều khiển đoàn viên: “Chúng con là ánh sáng thế gian”, “Không ai có thể cho cái mà mình không có”. Là một trưởng, là chỉ huy, là người đứng đầu, là người Anh, người Chị, ta không thể hướng dẫn các em bằng lời nói suông, nhưng phải bằng chính gương sáng của mình.
Sống đạo làm sao để ta có sức thu hút các em. Nhờ đó, mỗi việc làm, lời nói, cử chỉ của ta đều có thể lôi cuốn các em đến với Chúa.
3- Sống đạo thế nào ?
Trọng tâm đạo đức của Trưởng là Chúa Kitô, vì Ngài là bạn tâm phúc của ta. Vậy hãy tìm gặp Ngài nơi Lời Chúa và Thánh Thể. Đồng thời nhận biết Chúa nơi anh chị em. Huynh Trưởng thể hiện một đời sống lạc quan, quảng đại bao dung và biết quan tâm đến người khác. Vì thế :
+ Chúa Giêsu phải là người Bạn của Huynh Trưởng:
Như thánh Phaolô đã nói :”Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Đối với ngài, Chúa Kitô là tất cả, là thần tượng và là lẽ sống của cuộc đời. Người Huynh Trưởng cũng phải gắn bó mật thiết với Chúa Kitô, vì Ngài là Thầy, là Huynh Trưởng Tối Cao, là Bạn mà ta phải bám vào để ta cũng có thể nói như thánh Phaolô :  “ Chúa Kitô là lẽ sống của đời tôi.”
+ Huynh Trưởng gặp gỡ Chúa Giêsu qua Lời Chúa :
Huynh Trưởng phải học hỏi Lời Chúa vì chính ta đã tự nguyện hiến thân phục vụ cho Chúa, là chứng nhân, là dấu chỉ của Chúa Kitô và là tông đồ của Ngài. Lời Chúa là những bài học cụ thể, việc Chúa làm là nền tảng cho hành động và sứ mệnh tông đồ của người Huynh Trưởng.
+ Huynh Trưởng gặp gỡ Chúa Giêsu nơi Thánh Thể :
Thánh Thể chính là nguồn sinh lực, là nguồn sống thiêng liêng, là động lực và là trung tâm mọi hoạt động tông đồ của người Kitô hữu nói chung, và của người Huynh Trưởng nói riêng. Vì thế Huynh Trưởng phải siêng năng :
٭    Tham dự Thánh Lễ
٭    Dự tiệc Thánh Thể
٭    Năng Viếng Chúa luôn
Khi kết hợp với Thánh Thể, đời sống thường ngày của người Huynh Trưởng sẽ được thánh hoá. Hoạt động tông đồ sẽ có hồn. Huynh Trưởng sẽ hăng hái chu toàn trách nhiệm.  

   CÁCH SOẠN VÀ DẠY BÀI KHÓA CHO ĐOÀN SINH
I. ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ
Để soạn và dạy bài khóa cho đoàn sinh, Huynh Trưởng cần đáp ứng những đòi hỏi sau:
1.     Nội dung: bài học hôm nay nói về vấn đề gì?
2.     Người dạy có nắm vững bài không? Có mấy ý?
3.     Đối tượng nghe là ai? Tuổi nào? Để chọn phương pháp trình bày thích hợp.
4.     Ý chính phải nhấn mạnh. Thí dụ: Chuyện Chúa gọi Abraham, cần nhấn mạnh đến lòng tin của ông. (không để các chi tiết hấp dẫn làm mờ ý chính)
5.     Bài học phải dẫn đến kết luận thực hành.
 II. SOẠN BÀI KHÓA
1.     Soạn bài là bước chuẩn bị đầu tiên và bắt buộc đối với người dạy. Nếu không soạn, bài sẽ không biết bắt đầu từ đâu, chấm dứt chỗ nào, điều gì cần nói trước, điều gì phải nói sau. “Chưa soạn bài, không nên dạy”.
2.     Soạn bài là sắp xếp kiến thức của người dạy để dễ dàng thông truyền cho các em, theo nhu cầu và phù hợp với trình độ tiếp nhận của các em.
3.     Hình thành bài khóa sẽ dạy cho các em. Tùy theo khả năng của người dạy mà bài soạn có thể chỉ là một dàn bài chi tiết, hoặc là cả một bài học đầy đủ.
4.     Tham khảo tài liệu để bài khóa được phong phú, chỉ chọn những chi tiết cần thiết để đưa vào bài khóa. Sách giáo khoa là chính yếu.
5.     Bài khóa phải có phần dành cho các em làm việc. phần này nên là một hệ thống câu hỏi từ dẫ đến khó nhằm mục đích:
-    Củng cố kiến thức của các em
-    Kích thích sự thắc mắc nơi các em
-    Giúp các em đặt vấn đề
-    Giúp các em biết cách giải quyết tình huống, chọn thái độ và cách sống… dựa theo ý của bài. Hệ thống này có thể dài, ngắn, dễ, khó tùy lứa tuổi và trình độ của các em.
III. CÁCH DẠY
1. Khởi đầu bài dạy
Giới thiệu bài học, thường có 2 cách khởi đầu:
-    Trực khởi: Đi ngay vào vấn đề. Thí dụ, khởi đầu chuyện ông Giuse bị bán sang Ai Cập: “Giuse là con thứ 11 của ông Giacob…” Cách này thường được dùng để khởi đầu bài cho các em lớn như Nghĩa sĩ chẳng hạn.
-    Lung khởi: Vào đề từ từ, Thí dụ, như câu chuyện trên: “Các em có biết ông Giacob có mấy người con không? Kể ra…” Cho đến khi ta giúp các em kể tới Giuse, ta mới kể riêng về ông… Cách này thích hợp cho tuổi nhỏ hơn.
2. Nội dung bài khóa
-    Trình bày theo văn nói. Nói êm nhẹ, hoặc cường điệu tùy theo nội dung từng phần của bài. Khi có thể, nên thêm chút hài hước.
-    Các phần của nội dung cần được nối tiếp bằng những câu “bản lề” thích hợp.
-    Do sự tinh tế của người dạy, khi nhận thấy các em lơ là, lo ra, nên thay đổi cách nói hoặc hỏi một vài em để tạo lại sự chú ý cần thiết nơi các em.
-    Dùng ngôn ngữ của các em.
-    Không chỉ dạy bằng kiến thức, mà bằng cả tâm hồn. Lời nói cần rõ ràng, lớn vừa đủ, dứt khoát. Không tạo cho các em thói quen “nói đuôi”. Câu hỏi phải tích cực (đã hỏi, phải để các em trả lời và có sửa sai. Không chỉ hỏi cho có).
-    Hình ảnh minh họa, bài ca, trò chơi, tiếng reo phù hợp với nội dung bài là phương tiện rất hữu ích giúp các em nhớ bài.
-    Cử điệu và thái độ xác tín của người dạy có sức lôi cuốn và tạo ấn tượng sâu nơi các em.
-    Kiểm tra sự tiếp thu của các em bằng hệ thống câu hỏi.
-    Phần ghi chép, dài ngắn tùy theo cấp, tùy theo tuổi. ở tuổi lớn, có thể cho các em tổng hợp bài trong sách và tóm bài giảng thành bài của chính các em, với sự hiệu đính của trưởng dạy bài.
-    Sau mỗi bài, Trưởng phải ghi nhận những chi tiết thuận lợi cũng như khó khăn; Phân tích nguyên nhân; Rút kinh nghiệm cho bài sau.
3. Kết bài
-    Tóm lại những ý chính cần nhớ.
-    Đưa ra quyết định và việc làm thực hành theo ý của bài vừa học.
[Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh Trưởng cấp 1, bài 8]

 CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIẾN

I. CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIN LÀ GÌ
Chương trình Thăng Tiến Thiếu nhi là hệ thống các bài học (lý thuyết và thực hành), chương trình hội họp và sinh hoạt chính thức, nhằm giúp thiếu nhi ngày càng lớn lên và trưởng thành về đời sống tâm linh (siêu nhiên) và đời sống nhân bản (tự nhiên). Chương trình Thăng Tiến thực sự là cuốn cẩm nang của Huynh Trưởng.
Chương trình Thăng tiến được soạn theo phương pháp tiệm tiến, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, phù hợp với tâm lý của từng lứa tuổi, tương ứng với từng ngành: Ấu (7-9 tuổi); Thiếu (10-12 tuổi); Nghĩa (13-15 tuổi) và được phân phối phù hợp với các buổi họp trong năm.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIẾN.
Trước năm 1975, Phong Trào đã có tài liệu khá đầy đủ. Chương trình Thăng tiến của mỗi ngành đều gồm 4 phần căn bản:
GIÁO LÝ
+   Thánh Kinh (Hiểu biết Thánh Kinh – Học, suy niệm sống Lời Chúa)
+   Tín lý (hiểu, sống)
+   Phụng vụ, Bí tích (hiểu, sống)
+   Luân lý (Giới răn Chúa và Hội Thánh…)
+   Đời sống cầu nguyện, các kinh căn bản…
NHÂN BẢN
+   Đào luyện bản htân về đức, trí, thể, mỹ.
+   Sống tương giao với tha nhân (gia đình, khu xóm, trường học, xã hội…)
PHONG TRÀO
+   Hiểu biết về Bản chất, Tôn chỉ, Mục đích, Đường lối, Phương pháp của Phong Trào TNTT.
+   Tập sống theo Đường lối, Tôn chỉ, Phương pháp của Phong Trào. Đào sâu tình liên đới với Chúa Giêsu Thánh Thể là lý tưởng của Phong Trào.
KỸ NĂNG CHUYÊN MÔN
+   Hiểu công dụng và thực hành các kỹ năng cần thiết trong đời sống: nút dây, morse, mật thư, dấu đường, gia chánh, trang trí, cứu thương, thể dục, thể thao, nhạc, họa, vi tính,…
+   Tạo cơ hội áp dụng các kỹ năng trong sinh hoạt, nhất là trong đời sống thường ngày.
III. THỰC HIN CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIẾN
1.     Chương trình Thăng tiến được dạy trong các buổi họp đội hoặc chi đoàn hàng tuần.
2.     Chương trình Thăng tiến được phân bố vừa đủ cho các cấp, các ngành trong 3 năm (có dự trù những tuần lễ nghỉ. Do đó mỗi cấp chỉ còn khoảng 25-30 bài trong 52 tuần của năm)
 IV. CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIẾN HIỆN NAY
Sau năm 1975, Phong Trào đã ngưng hoạt động gần 30 năm qua. Xã hội đã phát triển và thay đổi nhiều. Các giáo phận có chương trình giáo lý cho thiếu nhi. Nếu áp dụng song song 2 chương trình thì quá nặng cho các em và khó có thể thực hành rộng rãi. Hơn nữa, Chương trình Thăng tiến cũ không đủ đáp ứng với nhu cầu giáo dục thiếu nhi hiện tại, mà cần phải đổi mới, cập nhật cho phong phú hơn. Hiện Ban Nghiên Huấn Liên Đoàn đang làm việc ráo riết nhưng không hấp tấp, thực hiện Chương trình Thăng tiến mới cho phù hợp với nhu cầu trên. Hy vọng Chương trình Thăng tiến mới sẽ sớm ra mắt để phục vụ nhu cầu của Phong Trào đang trong giai đoạn phát triển đầy lạc quan này.
V. MỘT ĐỀ NGHỊ TẠM CHO HIỆN TẠI
Trong khi chờ đời Chương trình Thăng tiến mới, đề nghị các Đoàn:
-    Phần giáo lý, Thánh Kinh và đời sống đạo: lấy chương trình giáo lý của giáo phận, vốn đã được phân bổ hàng tuần, làm tài liệu chính. Có thể làm phong phú thêm với những bài học về nhân bản, thực hành Hoa thiêng, Chiến dịch thi đua…
-    Phần Phong Trào, xin tham khỏa Nội qui Tổng Liên Đoàn năm 1974 và Nghi thức Phong Trào năm 1974, tài liệu Phong Trào năm 2003, Sổ tay Huynh Trưởng năm 2004, Sổ tay Tuyên Úy năm 2004. Tất cả  được bán tại Văn phòng Mục Vụ Thiếu nhi (180 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3)
-    Ngoài ra, cuốn Sổ tay Tông đồ Đội trưởng và cuốn chương trình Thăng tiến Ngành Thiếu do Linh mục Vinh Sơn Trần Hòa mới biên soạn cũng là những tài liệu tham khảo rất tốt để sử dụng trong khi chờ đợi tài liệu chính thức của Phong Trào.
-    Phần chuyên môn: tham khảo Chương trình Thăng tiến cũ và một số tài liệu chuyên môn khác tùy lứa tuổi và cấp lớp (tài liệu rất nhiều).
[Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 1, bài 9]

  KHUNG CẢNH THÁNH KINH 

Khung cảnh Thánh Kinh đích thực là khoảng không gian và thời gian lịch sử, nơi đó, lúc đó diễn ra những việc Thiên Chúa đã nói với nhân loại, và sau này được ghi lại trong Thánh Kinh.
Lời Chúa trong Thánh Kinh là nền tảng và là chất liệu giáo dục thiếu nhi. Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể trên nền tảng Thánh Kinh; Đường lối, Tôn chỉ, Phương pháp đều dựa vào và bén rễ trong Lời Chúa. Lời Chúa bao trùm mọi hoạt động của Phong Trào. Phong Trào hoạt động trong Khung cảnh Thánh Kinh. (Trong lãnh vực tôn giáo, khung cảnh linh thiêng phải được diễn ra liên tục để nuôi dưỡng đức tin).
 
I. TẠI SAO GIÁO DỤC THIẾU NHI BẰNG KHUNG CẢNH THÁNH KINH?
Khung cảnh là hình ảnh, là sự kiện diễn ra trước mắt khiến người chứng kiến dễ cảm nhận, dễ nhớ và nhớ lâu: các cuộc du khảo, đi thực nghiệm nhằm giúp học sinh, sinh viên thấy tận mắt những điều bài học đã trình bày.
Những cuộc hành hương về Thánh Địa giúp cho khách hành hương thấy, đụng chạm, sống lại nơi mà xưa kia Thiên Chúa đến với nhân loại; nơi xưa kia Chúa Giêsu, Con-Thiên-Chúa-Làm-Người đã sinh ra, lớn lên và hoàn thành Sứ Vụ Cứu Chuộc. Nhờ đó họ hiểu rõ hơn, nảy sinh tâm tình biết ơn và yêu mến.
II. ÁP DỤNG KHUNG CẢNH THÁNH KINH CHO ĐOÀN SINH NHƯ THẾ NÀO?
Tất cả Lịch Sử Cứu Độ qui hướng về Con Người duy nhất: ĐỨC GIÊSU CỨU THẾ và về một sự kiện duy nhất: ĐỨC GIÊSU Giáng thế làm người, lớn lên tại Palestine, rao giảng, chịu chết, Phục sinh và vinh thắng để Cứu chuộc nhân loại. Cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu, Thiên-Chúa-Làm-Người, là lý tưởng, khuôn mẫu cho chúng ta noi gương.
Khung cảnh đạo đức thật cần thiết. Để giáo dục các em nên những Kitô hữu trưởng thành, Phong trào đã tạo lại những khung cảnh Thánh Kinh cho các em. Khung cảnh sẽ in sâu, tác động nơi tâm trí, giúp các em gặp gỡ Chúa, nuôi dưỡng tâm tình yêu mến,… Niềm tin của trẻ sẽ được củng cố giữa khung cảnh linh thiêng đạo đức.
Khung cảnh Thánh Kinh áp dụng cho sinh hoạt Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể và cho việc giáo dục đoàn sinh từng lứa tuổi chính là cuộc đời Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu thời Ấu thơ: biến cố Truyền tin; Hang Bêlem; các mục đồng viếng thăm; Cuộc di tản, tỵ nạn sang Ai Cập; Cuộc sống ngoan hiền, yêu thương; Cảnh gia đình đầm ấm, yêu thương là khung cảnh thích hợp cho các em Ấu nhi. Châm ngôn sống của các em là NGOAN.
Chúa Giêsu thời Niên Thiếu: sống hy sinh, vâng phục, chăm chỉ; được cha mẹ dạy dỗ, yêu thương; phụ giúp cha mẹ… là khung cảnh thích hợp cho tuổi thiếu nhi. Châm ngôn sống của các em là HY SINH.
Chúa Giêsu thời rao giảng với bước đường ngang dọc loan báo Tin Mừng; thực thi Thánh Ý Cha; chinh phục, cứu độ muôn dân là lý tưởng giáo dục tuổi Nghĩa sĩ, những người trẻ tràn sức sống sẵn sàng tham gia, nối tiếp bước đường rao giảng của Chúa Giêsu, theo gương Thánh Phaolô lên đường truyền giáo. Châm ngôn sống của các em là CHINH PHỤC.
III. TẠO KHUNG CẢNH THÁNH KINH THẾ NÀO
Bắt nguồn từ nhận thức rằng con người dù trẻ em hay người lớn đều rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường sống “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” và bị cuốn hút bởi lý tưởng họ ôm ấp.
Để các em được nuôi dưỡng bởi bầu khí đạo đức, thánh thiêng, cần phải đưa các em vào môi trường – tức là Khung cảnh Thánh Kinh – bằng các sinh hoạt được khơi nguồn từ Thánh Kinh như bài hát, trò chơi, băng reo, vào sa mạc, Lửa Thiêng Thánh Thể, bên cạnh các sinh hoạt đạo đức như học, suy niệm, cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa. Những sinh hoạt khơi nguồn từ Thánh Kinh, từ cuộc đời các Thánh này sẽ dần dần thấm sâu vào tâm hồn và trở thành dinh dưỡng, chất sống của các em trong suy nghĩ, cách nhìn, cách phản ứng trước các biến cố, cách cư xử và sống đời thường. tất cả đều phản ánh Lời dạy của Chúa. Tóm lại: không chỉ dạy về Chúa Giêsu, mà còn tập cho các em sống với Chúa Giêsu.
[Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 1, bài 10]

PHƯƠNG PHÁP HÀNG ĐỘI

I. PHƯƠNG PHÁP HÀNG ĐỘI LÀ GÌ?
Phương pháp hàng đội là cách tổ chức lấy Đội làm đơn vị căn bản trong mọi sinh hoạt.
 II. MỤC ĐÍCH VÀ LỢI ÍCH CỦA PPHĐ
+   Về phương diện giáo dục
-    Phương pháp hàng đội cho các em cơ hội nhận ra chính mình, tự đào luyện mình và giúp nhau học tập.
-    Phương pháp hàng đội tập cho các em tinh thần trách nhiệm cá nhân và liên đới với nhau qua công việc chung của đội mà các em cùng đảm trách.
-    Phương pháp hàng đội tập cho các em biết đoàn kết, yêu thương săn sóc nhau vì cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn khi sinh hoạt với nhau (biết sử dụng tự do).
-    Phương pháp hàng đội giúp các em phát triển khả năng tối đa và củng cố những đức tính tốt.
+   Về phương diện làm việc
Thời gian và kinh nghiệm đã cho thấy phương pháp hàng đội là phương pháp tổ chức công việc hiệu quả, vì:
-    Mọi người tham gia công việc một cách ý thức, tự nguyện: Người lớn việc lớn, người nhỏ việc nhỏ.
-    Mọi người nhận thấy mình có trách nhiệm, được tôn trọng nên đều tham gia tích cực. Mọi người được phân chia công việc hợp lý (vừa sức, hợp khả năng).
 III. TỔ CHỨC HÀNG ĐỘI THẾ NÀO?
Nên theo quy trình sau đây:
1.     Tìm kiếm, chọn lựa những em có phẩm chất tốt, lập thành một đội do chính anh Đoàn Trưởng làm đội trưởng. sinh hoạt như một đội với mục đích cho các em quen tận mắt, tận tay sinh hoạt của đội, cũng như công việc của một đội là thế nào.
2.     Chia thiếu nhi thành từng đội, trao đội cho các đội trưởng đã được huấn luyện ở cùng độ tuổi như nhau, trong một nghi thức trang trọng nhưng không rườm rà. Từ đây, em là đội trưởng của đội.
3.     Các Trưởng thường xuyên quan sát, theo dõi để giúp đội trưởng (không vô cớ can thiệp vào việc nội bộ của đội)
 IV. NHỮNG CHỈ ĐỊNH CẦN THIẾT
1.     Khi trao đội hoặc công tác cho đội, Huynh Trưởng phải tin tưởng đội trưởng. Cần theo dõi, không phải để bắt lỗi, nhưng là để hỗ trợ và hướng dẫn.
2.     Nên để cho các đội trưởng được tham gia và chia sẻ những ưu tư của Trưởng về công việc chung của đoàn bằng việc bàn hỏi riêng, hoặc thông qua các buổi họp đoàn (Trừ trường hợp vì lý do rất tế nhị hoặc vì lợi ích của đoàn, xét ra chưa cần có sự tham gia của đội trưởng thì thôi).
3.     Trưởng thường xuyên gặp các đội trưởng để trao đổi, huấn luyện, ra chương trình, các đội trưởng huấn luyện đội viên. Huynh Trưởng giữ uy tín cho đội trưởng trước các đội viên của em.
4.     Tận dụng cơ hội cho các em làm việc tự lập, nhằm trợ giúp tiến trình trưởng thành của các em. Áp dụng nguyên tắc phân quyền rõ rệt.
V. KẾT LUẬN
Phương pháp hàng đội là cách giáo dục theo lối tự quản. Phương pháp cần có sự phối hợp nhịp nhàng nhạy bén giữa người thụ huấn và người hướng dẫn mới mong đạt kết quả.
[Trích Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 1, bài 11]

 TỔNG QUÁT VỀ TÂM LÝ THIẾU NHI

Tìm hiểu sự phát triển tâm lý và phân tích đặc tính tâm lý trong từng giai đoạn phát triển của thiếu nhi là một vấn đề rộng lớn, phức tạp và khó khăn; đưa ra những phương cách giáo dục thích ứng với đặc tính của từng thời kỳ phát triển tâm lý thiếu nhi đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều, nhưng lại là yếu tố then chốt của vấn đề giáo dục thiếu nhi. Đây là trách nhiệm của nhiều giới: Phụ huynh, nhà giáo, nhà xã hội học, linh mục, tu sĩ, Giáo lý viên và Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể.
  I. TỪ 7 ĐẾN 9 TUỔI
1. Đặc tính tâm lý
-    Có thể tiếp nhận và hiểu các khái niệm trừu tượng như số đếm, các phép tính, phân biệt giá trị của những con số: Tuổi đi học.
-    Bắt đầu ra khỏi gia đình để đi học, ít là mỗi ngày nửa buổi: Xáo trộn về sinh hoạt thường ngày.
-    Biết và thích chơi theo nhóm, tương quan bạn bè mỗi ngày thêm gắn bó: Quan hệ ruột thịt dần dần chuyển sang tương quan xã hội.
-    Trong lớp có thầy cô; trong nhóm chơi có “thủ lãnh”, thần tượng cha mẹ nay đã dần dần không còn là độc tôn nữa mà được thay thế bằng thầy cô, Huynh Trưởng, Giáo lý viên.
2. Giải pháp cho lứa tuổi này
-    Thích hợp cho việc dạy Giáo lý bằng chữ, sách.
-    Nên đưa các em vào tổ chức. Quan sát và tìm “thủ lãnh” (đội trưởng) ngay trong nhóm các em.
-    Giúp các em tự quản nhóm. Chuẩn bị cho Hàng đội tự trị sau này. Huynh Trưởng, Giáo lý viên phải luôn là mẫu mực cho các em.
 II. TỪ 10 ĐẾN 12 TUỔI
1. Đặc tính tâm lý
-    Có thắc mắc về sự kiện xảy ra về bài học ở trường hay ở đoàn, lớp giáo lý: Đang hình thành cái tôi.
-    Đi học, đi lễ một mình, không bám áo mẹ như mấy năm trước nữa, thích có tiền riêng, chỗ học riêng, xe đạp riêng: khuynh hướng độc lập, tư hữu.
-    Hay thắc mắc về việc làm của người lớn có liên quan tới em: Óc suy luận tư duy bắt đầu phát triển.
-    Kết thân với bạn bè chặt chẽ, lâu bền: Tính xã hội phát triển mạnh.
2. Giải pháp cho lứa tuổi này
-    Thuận tiện để tổ chức Hàng đội tự trị.
-    Tạo điều kiện và hướng dẫn các em kết giao, sinh hoạt nhóm lành mạnh.
-    Các bài dạy nên có ít câu hỏi suy luận đón trước thắc mắc của các em. Tạo điều kiện cho các em thắc mắc, đồng thời phải trả lời thỏa đáng, nhưng đơn giản.
-    Trong sinh hoạt, nên giao cho các em (cá nhân hoặc đội) đảm trách một số việc vừa sức, giúp các em tập hội nhập cộng đồng sau này.
 III. TỪ 13 ĐẾN 15 TUỔI
1. Đặc tính tâm lý
-    Đi nhiều hơn ở nhà. Không muốn lệ thuộc cha mẹ và bị kiểm soát như trước đây: Khuynh hướng tự lập phát triển mạnh.
-    Sức sống thể lý dồi dào, chân tay thừa thãi, cử chỉ vụng về. Tính dục phát triển mạnh. Ý tứ đối với bạn “phe kia”: Thể lý “qua mặt” tâm lý, thời kỳ “quá độ” trước khi bước vào giai đoạn trưởng thành.
-    Phản kháng những việc không vừa lòng: Óc suy luận, phán đoán phát triển, mặc dù chưa chín chắn.
-    Sẵn sàng can thiệp những chuyện bất bình: Tinh thần nghĩa hiệp, vô vị lợi.
 2. Giải pháp cho lứa tuổi này
-    Phát huy tối đa Hàng đội tự trị.
-    Trong sinh hoạt, cần có những hoạt động mạnh.
-    Thông cảm với các lời nói, thái độ, hành động cộc cằn, thậm chí bị cho là vô lễ của các em.
-    Nên hiểu các em bằng cái nhìn tâm lý; đối xử bằng hành vi giáo dục hơn là căn cứ vào hiện tượng bên ngoài để “xử lý” các em.
-    Nhìn nhận, khám phá mặt tích cực nơi các em bằng cách trao việc, trao trách nhiệm cho các em.
-    Giúp các em sáng kiến hoạt động từ thiện, bác ái, công tác công cộng, giúp các em tập phán đoán và nhạy bén trước các vấn đề lương tâm. Đồng thời phát huy tinh thần nghĩa hiệp.
 Các giai đoạn của tuổi tâm lý không có ranh giới rõ ràng như ranh giới vật chất. Các biến chuyển tâm lý tuy được xếp theo lứa tuổi, nhưng chỉ là chung chung và tương đối. Biến chuyển tâm lý nơi mỗi em khác nhau còn tùy thuộc vào:
-    Nền tảng giáo dục gia đình từ lúc sinh ra đến 6 tuổi.
-    Môi trường xã hội các em đã và đang sống (khu lao động khác với làng đại học; thành phố khác với vùng sâu, vùng xa…)
Những giải pháp giáo dục không phải là giải pháp đồng loạt, không phải là đũa thần giải quyết được mọi tình huống tâm lý nhưng căn cứ vào nguyên tắc chung kết hợp với quan sát, theo dõi biến chuyển tâm lý của từng em để có kết luận. Trong giải pháp ứng xử cho cả tập thể, phải có giải pháp cho từng em. Nhất là những em cá biệt. Giáo dục không thuần túy là việc của khối óc nhưng còn của con tim. Hiệu quả của các biện pháp giáo dục tâm lý còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Khả năng, trường phái tâm lý của nhà giáo dục, môi trường sống của các em được giáo dục, tương quan với nhà giáo dục.
Kiến thức + kinh nghiệm + quan sát thực tế = giải pháp
[Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 1, bài 14]

LỬA THIÊNG THÁNH THỂ 

Đối với Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, Lửa Thiêng Thánh Thể là: 

-    Một loại hình sinh hoạt vui tươi hấp dẫn không thể thiếu trong các sa mạc Huấn luyện hay các sa mạc có qua đêm.
-    Sinh hoạt có mục đích giáo dục, kết thúc Ngày Thánh Thể trong sa mạc huấn luyện của Phong Trào.

I. Ý NGHĨA CỦA LỬA THIÊNG THÁNH THỂ
-    Lửa vẫn có trong thiên nhiên. Nhưng con người chỉ mới tìm ra lửa một cách tình cờ cách đây chưa đầy một trăm ngàn năm. Khi trời lạnh, người ta đốt lửa để sưởi ấm; lúc trời tối, đốt lửa lên để tìm ánh sáng. Sau một ngày săn bắn, tìm kiếm lương thực người ta quây quần bên đống lửa, nhảy múa vui chơi và chia sẻ thức ăn săn được hoặc phân chia chiến lợi phẩm sau một ngày chiến đấu gian lao.
-    Trong lịch sử cứu độ, lửa có một vai trò và ý nghĩa đặc biệt đối với dân Israel: Lửa nói lên sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa (bụi gai cháy, lửa thiêu đốt lễ vật, lửa soi sáng Israel trong hành trình sa mạc, lửa quét sạch tội lỗi…)
-    Để hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đến thế gian xua đi bóng tối của sự chết bằng ánh sáng Phục Sinh của Người.
-    Để bầu chữa, soi sáng, thánh hóa nhân loại, Chúa Thánh Thần đã đến trên các Tông đồ và Hội Thánh dưới hình lưỡi lửa trong ngày lễ Ngũ Tuần để đưa nhân loại vào một kỷ nguyên mới: Sự sống và Ánh sáng.
Vào cuối Ngày Thánh Thể trong sa mạc Huấn luyện, các sa mạc sinh quây quần trong hơi ấm và ánh sáng của đống lửa hữu hình để tưởng nhớ đến ánh lửa thiêng mà Thiên Chúa đem đến cho tâm hồn mỗi người, để mọi người hợp nhất trong cùng một ngọn lửa của Thiên Chúa, Lửa Tình Yêu, Lửa Thiêng Thánh Thể.
 II. TỔ CHỨC LỬA THIÊNG THÁNH THỂ
1. Nhân sự
-    Người tổ chức: có nhiệm vụ từ A tới Z.
-    Quản trò: phụ trách điều phối các tiết mục, linh hoạt trong suốt buổi Lửa Thiêng Thánh Thể.
-    Quản ca: phụ trách phần ca vũ. Phối hợp nhịp nhàng với quản trò.
-    Quản lửa: phụ trách củi lửa, vật dụng lửa (Củi, đuốc, mồi, dầu, nước, muối, gậy…)
2. Tổ chức
-    Chọn chủ đề có thể là một chủ đề trực tiếp trong Thánh Kinh, hoặc mang giá trị Thánh Kinh. Và các mục văn nghệ khác không bắt buộc thuần sắc Thánh Kinh, nhưng phải lành mạnh và có giá trị giáo dục.
-    Phân công tiết mục cho các đội theo chủ đề. Các đội phụ trách tiết mục phải hoàn thành việc tập dợt trước giờ khai mạc. Các tiết mục phải nộp kịch bản cho ban tổ chức để được kiểm duyệt và xếp thứ tự trước khi diễn xuất. Quản trò nắm vững các tiết mục để lên chương trình điều phối.
-    Quản trò và quản ca phải nắm vững chương trình linh hoạt xen kẽ và ứng phó những trở ngại bất thường về diễn xuất.
-    Chọn địa điểm an toàn, phòng ngừa hỏa hoạn và mặt bằng thích hợp với số người tham dự.
-    Củi đủ khô để dễ cháy. Khối lượng tương đối đủ cho thời gian sinh hoạt.
-    Sẵn sàng dụng cụ mồi lửa, tăng, giảm, dập lửa và châm lửa (đuốc cho vị chủ tọa châm lửa).
-    Nên xếp quan khách phía đầu gió để tránh khói và nóng.
3. Nghi thức khai mạc Lửa Thiêng Thánh Thể
-    Sa mạc sinh quây quần quanh đống lửa.
-    Trưởng đại diện mời quan khách (nếu có), chào và bắt đầu nghi thức.
-    Trong bóng tối, một người nói chút ý nghĩa của lửa. nói đến sự khống chế của tội lỗi, của sự chết khi chưa nhân được ánh sáng Chúa Kitô. Khi Chúa Kitô đến thì mọi sự đổi thay… (không nên dùng hình ảnh thần này hay thần khác. Qua cuộc thanh luyện trong sa mạc, dân Chúa đã được Thiên Chúa giáo dục một tôn giáo độc thần, chỉ tin thờ một Thiên Chúa Duy Nhất)
-    Mọi người gọi lửa mỗi lúc một nhanh và dồn dập như mong đợi (hát bài Gọi Lửa)
-    Đuốc được đốt lên và trao cho vị cao cấp nhất châm vào đống củi.
-    Khi lửa bốc cao, mọi người chào lửa (Vũ bài Chào lửa) và bắt đầu chương trình.
4. Nghi thức bế mạc (Mang lửa về tim)
-    Điều chỉnh lại vòng tròn.
-    Mời vị cao cấp nhất nói ý nghĩa “Mang lửa về tim” (Lửa tình yêu được mỗi người đưa về, ấp ủ trong tim để rồi sẽ truyền đến cho anh chị em) và chủ tọa giờ kinh tối. truyền lửa cho từng người (đốt nến).
-    Mở một lối trong vòng tròn. Mọi người vừa đi vừa hát, tay cầm nến cháy theo hàng về lều. Nghỉ đêm.
-    Ban điều hành và quan khách tách khỏi hàng, đứng tiễn sa mạc sinh cho đến khi người cuối cùng đi khỏi.
LƯU Ý: luôn có chương trình dự phòng đề phòng trời mưa.
[Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 1, bài 16]

LÃNH NHẬN LỜI CHÚA

Lãnh nhận Lời Chúa là cách vận dụng Lời Chúa vào đời sống qua việc nghe, hiểu, suy gẫm, cảm nhận Lời Chúa và chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận với nhau. Để rồi mỗi người tự rút ra và tìm cách đáp trả tiếng Chúa trong hoàn cảnh riêng của mình. Nhờ chia sẻ, mỗi người có thể hiểu Lời Chúa một cách phong phú hơn.
Lãnh nhận Lời Chúa có thể được áp dụng trong các buổi họp, các cuộc họp bạn. theo truyền thống TNTT, trong sa mạc Huấn luyện việc Lãnh nhận Lời Chúa thường được thực hiện trước bữa cơm trưa, với mục đích nhắc nhở chúng ta rằng: Người ta không chỉ no bởi bánh, nhưng bởi mọi Lời do Miệng Thiên Chúa phán ra”. (Mt 4,4)
Tiến trình như sau:
-    Đội trưởng mời mọi người hiệp ý xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho được hiểu Lời Chúa sắp được công bố (bằng lời nguyện tự phát hoặc bằng bài hát xin ơn Chúa Thánh Thần)
-    Một người được chỉ định công bố Lời Chúa (Đọc lớn tiếng một đoạn Lời Chúa đã chọn sẵn. có thể đọc lại lần nữa).
-    Yên lặng mấy phút để Lời Chúa thấm vào tâm hồn mỗi người. Sau đó, Đội trưởng lên tiếng mời mọi người chia sẻ:
+   Tôi thấy Chúa nói với tôi điều này…
+   Lời Chúa hôm nay khiến tôi nhớ lại biến cố… Chúa hiện diện trong quá khứ đời tôi.
+   Tôi phải làm gì để đáp trả tiếng Chúa…
(Không buộc theo đúng 3 mục này. Cứ để cho Lời Chúa tác động)
-    Cảm tạ Chúa (bằng lời nguyện, lời kinh hoặc bài hát chung)
 NHẮC NHỞ CẦN THIẾT
-    Lời Chúa tác động nơi mỗi người không giống nhau. Do đó, mỗi người nói theo cách hiểu của mình, chứ không phải giảng cho anh em. Cũng không phải là cắt nghĩa, chú giải Thánh Kinh.
-    Không buộc phải nói hết các ý của đoạn Thánh Kinh. Có thể chỉ cần chia sẻ 1 câu mình cảm thấy ăn ý nhất, có cảm nghiệm sâu sắc nhất.
-    Tôn trọng ý của anh em. Không sửa lỗi anh em.
-    Không bắt buộc mọi người phải nói. Nghe người khác chia sẻ cũng là một cách để Chúa nói với mình. Nhưng cũng không nên ỷ lại, thụ động. Thành tâm là chính!
 THỰC TẬP
Chọn một đoạn bất kỳ trong Tân Ước hoặc Cựu Ước; hoặc theo Tin Mừng Chúa Nhật, hoặc theo đúng ngày trong sa mạc Huấn luyện và gợi ý như sau:
Gợi ý:
-    Ý nghĩa đoạn Tin mừng
-    Chúa muốn nói gì với tôi hôm nay
-    Tôi nghĩ và sống như Lời Chúa mong muốn hôm nay chưa?
-    Tôi phải làm gì để thực thi Lời Chúa?
-    Cảm ơn, ca ngợi Chúa…
 [Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 1, bài 22]

BÀI CA CHÍNH THỨC CỦA PHONG TRÀO TNTTVN

Bài ca chính thức của Phong Trào TNTT VN được dùng trong các nghi thức của Phong Trào gồm:
-     THIẾU NHI TÂN HÀNH CA: Dùng trong nghi thức chào cờ từ cấp Đoàn trở lên đến cấp TLĐ.
 -     ANRE PHÚ YÊN (LIÊN ĐOÀN TNTT GP TPHCM): Dùng trong nghi thức chào cờ từ cấp Đoàn trở lên đến cấp Liên Đoàn sau khi hát Tân Hành Ca.
-     NGHĨA SĨ CA: Hát trong buổi tập họp Phân Đoàn.
 
-     THIẾU NHI CA: Hát trong buổi tập họp Phân Đoàn.
 -     ẤU NHI CA: Hát trong buổi tập họp Phân Đoàn.
 -     LỜI NGUYỆN TÔNG ĐỒ: Hát trong buổi họp Đội trưởng các ngành.
-     KINH HUYNH TRƯỞNG: Hát trong buổi họp Huynh trưởng các ngành.
-     LỜI HỨA THIẾU NHI: Dùng chung cho đoàn sinh các ngành, tùy trường hợp.
-     GỌI LỬA: Dùng trong Nghi thức Lửa Thiêng Thánh Thể.
-     CHÀO LỬA: Dùng trong Nghi thức Lửa Thiêng Thánh Thể.
-     MANG LỬA VỀ TIM: Dùng trong Nghi thức Lửa Thiêng Thánh Thể.
 -     DÂNG NGÀY: Hát trong các tập thể như: Sa Mạc Huấn Luyện, Họp bạn…


-     LỜI NGUYỆN TRƯỚC BỮA ĂN: Hát trong các bữa ăn tập thể (Lạy Chúa là mạch sống. Xin ban cho con hằng bữa ấm no. nguyện chúc lành muôn phúc, xuống trên chúng con và thực phẩm này.) [*]
-     CÁM ƠN SAU BỮA ĂN: Hát trong các bữa ăn tập thể (Đoàn con đã được đầy no. Đội ơn Chúa đã rộng ban. Con xin cảm mến Chúa nhân từ. Nguyện chăm lo sốt sắng việc hồn.) [**]

-     KINH TỐI: Hát trong giờ kinh tối tập thể. 
Và một số bài thông dụng: Lý tưởng của tôi, Vị tướng Thiếu nhi, Lời hứa Thiếu nhi, 4 khẩu hiệu, Đồng dao 3 ngành, Vào sa mạc, Lưu đày sa mạc, Vượt biển đỏ, Về đất hứa, Manna cho em, Tin Mừng Cứu độ, Ca khúc từ ly.
[Nguồn: Sổ tay Huấn luyện Huynh trưởng cấp 1, bài 15]

[*] , [**] - Ghi chú: Hiện nay 2 bài hát này đang bị thất truyền, nên Liên Đoàn thường sử dụng:


[Trích sách "Các bài ca chính thức của Phong trào]