• Trang chủ

NGHIÊN CỨU ĐỂ PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG

I.- NHU CẦU HIẾU TRI:
Con người vốn có nhu cầu hiếu tri, nghĩa là luôn muốn hiểu biết, khám phá. Khi còn bé người ta vẫn thường hỏi tại sao.
Người ta muốn hiểu biết về thế giới xung quanh, về con người: tinh thần và thể chất; cũng như những sự kiện do con người tạo ra, và muốn biết thêm mãi. Người càng sống lâu càng có thời gian để chứng kiến các phát minh mới nhằm thoả mãn óc hiếu tri và tiện ích phục vụ con người. Nhu cầu hiếu tri thúc đẩy con người học hỏi, tìm hiểu và nghiên cứu, đây là động lực của sự tiến bộ và phát triển.
Ngày nay con người đang hưởng: những phát minh khoa học, những kiệt tác văn chương, nghệ thuật, những thành quả nghiên cứu và lao nhọc của nhiều người. Thành quả này là tiền đề cho những nghiên cứu và phát minh sau. Văn minh nhân loại tồn tại và phát triển được là nhờ những công trình nghiên cứu và phát minh liên tục của các thế hệ loài người. Do đó, học tập, nghiên cứu là cần thiết cho sự tiến bộ của cả cộng đồng và cho mỗi người. Đối tượng và chủ đề nghiên cứu tuỳ thuộc vào lãnh vực hoạt động và mục tiêu nhắm tới của mỗi người.
Ngoài những hoạt động nghề nghiệp và chức vụ đời thường, huynh trưởng TNTT còn có một hoạt động tự nguyện khác là giáo dục thiếu nhi. Điều này đòi hỏi huynh trưởng: ngoài những kiến thức Giáo lý và phong trào   cần hiểu biết những quy luật phát triển tâm, sinh lý của thiếu nhi cũng như những phương pháp giáo dục phải áp dụng nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất, giúp các em trở thành những con người hoàn hảo về tâm linh và nhân bản để các em đang khi sống đúng đời Kitô hữu cũng hội nhập tốt với cộng đồng xã hội.
Để thi hành nhiệm vụ nặng nề này, huynh trưởng phải trang bị cho mình vốn kiến thức, thu góp kinh nghiệm, nhất là phải tập sống chính điều mình đang và sẽ dạy các em bằng sự học hỏi không ngừng.
Huynh trưởng học bằng nhiều cách: học với “thầy” qua các khoá học hoặc sa mạc huấn luyện; học với sách qua nghiên cứu tài liệu; và học bằng cọ xát thực tế qua việc làm. Tự học qua nghiên cứu là điều kiện không thể thiếu, vì không ai biết mình cần gì bằng chính mình.
Nghiên cứu là chủ động chọn và tìm biết cách sâu rộng về một vấn đề, nhằm mục đích nào đó.
II.- CÁCH NGHIÊN CỨU: Nghiên cứu có nhiều cách:
1. Bằng cách quan sát tận nơi:
Du học sinh Thánh Kinh đến tận Belem để tìm hiểu nơi cách đây 2000 năm Chúa đã sinh ra; Nhà khảo cổ đến tận Bắc Sơn, Hoà Bình, đào bới và tra khảo các cổ vật bằng đá đẽo và đá mài để biết về văn minh thời đồ đá, đến tận Ngọc lũ để tìm hiểu trống đồng. Từ đó tìm hiểu con người Việt Nam cách đây hàng bao ngàn năm đã sống và tồn tại ra sao… Thí dụ, muốn tìm hiểu một sa mạc huấn luyện được tổ chức như thế nào, sách vở cũng chỉ cho ta biết về lý thuyết. Hãy đến tận nơi sẽ rõ hơn.
2. Bằng tham khảo ý kiến người khác:
Mỗi người có khả năng, kiến thức, kinh nghiệm riêng. Có những việc làm không cần tới kiến thức mình đang có, có khi mình lại không đủ kiến thức cho việc đang cần làm. Kiến thức và kinh nghiệm là vốn liếng riêng của mỗi người, đồng thời được phong phú nhờ học hỏi, trao đổi, bổ sung, tham khảo ý kiến lẫn nhau. Khi tham khảo ý kiến người khác, phải biết kiến thức và ngành nghề chuyên môn của họ có cần cho nhu cầu hiện tại của mình không, mới mong đạt được mục đích mong muốn. Trái lại mù sẽ dắt mù xuống hố: tham khảo về giáo lý, nên gặp các linh mục, hỏi về y tế không ai hơn bác sĩ,v.v…
3. Bằng quá trình làm việc:
Kiến thức lý thuyết phải được đem ra thực hành bằng việc làm. Làm việc thực tế mới thấy những khác biệt giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời là cách điều chỉnh kiến thức bằng thực hành và hoàn chỉnh việc làm bằng kiến thức. Làm việc trực tiếp chỉ thực sự đem lại thăng tiến là khi làm mà biết kiểm điểm và rút kinh nghiệm.
4. Bằng suy tư:
Con người là con vật biết suy tư. Không phải chỉ rập khuôn những điều học được nơi trường lớp, sách vở, tài liệu hay áp dụng kinh nghiệm của người khác cách máy móc mà cần căn cứ vào kiến thức mới, kinh nghiệm của người khác, kết hợp với suy nghĩ, nhận xét của mình để tạo ra sản phẩm  mới, thu thập kinh nghiệm mới phù hợp với nhu cầu thực tế.
5.- Qua báo chí:
Báo chí là nguồn thông tin, cung cấp kiến thức cập nhật. Đọc báo giúp chúng ta thấy những vấn đề mới xẩy ra trong xã hội, những khám phá mới nhất chưa kịp in thành sách. Đọc báo là cách cập nhật và tăng bổ kiến thức tốt, nhưng cũng cần lưu ý nhận xét, suy tư và đánh giá bài báo đó như trình bày ở mục 4 trên đây. Đàng sau một bài  phê bình, nhận định, thông tin còn có thể có ý gì khác mà tác giả muốn chuyển đạt tới độc giả; chỉ trích, cổ võ hay nhắc nhở ai đó, nên khi đọc báo, chúng ta cần  nhận xét, suy nghĩ, đánh giá, đối chiếu và chọn lọc. Chúng ta chỉ chọn nội dung mà mình đang cần mà thôi.
6. Nghiên cứu bằng sách vở, tài liệu:
Sách vở nói chung là kho tri thức của nhân loại được chọn lọc và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngày nay tri thức nhân loại còn được lưu giữ bằng nhiều phương tiện truyền thông khác như băng, đĩa, TV, radio và mạng internet. Thí dụ, nghe nói về dịch cúm gia cầm với virus H5N1, nhưng chưa hiểu rõ lắm. Tôi có thể nghe radio, xem TV, đọc sách, báo hoặc lên mạng để biết rõ hơn về virus đó có nguồn gốc từ đâu, tác hại của nó như thế nào, nó xâm nhập cơ thể gia cầm bằng cách nào; tác hại tới đời sống con người ra sao; xã hội đang đối phó với đại dịch này như thế nào; Biện pháp đề phòng cáh nào .v.v…
Nên biết : sách vở, tài liệu bàn về cùng một vấn đề nhưng có thể đứng trên nhiều lập trường và quan điểm khác nhau. Không phải sách nào, tài liệu nào cũng bổ ích cho công việc của mình và phù hợp với quan điểm của mình. Do đó chọn sách và tài liệu là việc cần thiết.
Quan điểm mà sách vở, tài liệu đưa ra chính là quan điểm của tác giả, người đã viết ra tài liệu đó. Thí dụ, Lịch Sử Truyền Giáo tại Việt nam được viết lại bởi hai tác giả khác nhau thuộc hai trường phái khác nhau, nhắm hai mục đích khác nhau, sẽ đem lại cho chúng ta hai cách trình bày và hai lời phê phán khác nhau. Vấn đề của người nghiên cứu, huynh trưởng TNTT, là chọn lựa dùng tài liệu nào, tác giả nào để học và dạy. Uy tín của tác giả là yếu tố giúp chúng ta quyết định phần lớn giá trị của tài liệu, và quan điểm của ông là yếu tố quan trọng giúp chúng ta chọn lựa tài liệu. Khi nghiên cứu tài liệu để học tập và giảng dạy, chúng ta cần định sẵn lập trường để chọn lựa lài liệu và trình bày theo tài liệu nào đồng quan điểm với quan điểm của Giáo Hội (và đương nhiên là của Phong Trào)
Khi nghiên cứu tài liệu, chúng ta cần nhớ:
- Chủ đích tìm kiếm đã có sẵn trong đầu: Việc tìm kiếm và nghiên cứu tài liệu bắt nguồn từ nhu cầu thực tế “tôi cần gì”. Thí dụ, chuẩn bị thành lập đoàn, tôi phải biết về tổ chức đoàn, các chức vụ trong Ban quản trị đoàn và nhiệm vụ của từng chức vụ, các sinh hoạt của đoàn và cách điều hành các sinh hoạt đoàn, chúng ta có thể tìm trong Nội Quy Tổng Liên Đoàn; Cách huấn luyện đội trưởng, chúng ta có thể tìm trong Quy Chế Huấn Luyện và Tài Liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng các cấp; Quan hệ với các cấp hàng dọc; quan hệ với các cấp, ban ngành trong giáo xứ, chúng ta có thể tìm trong bài giao tế nhân sự của tài liệu huấn luyện trưởng cấp II và các tài liệubên ngoài…
- Tên sách nói lên một phần nội dung: Khi đã có sẵn nhu cầu tìm kiếm, đứng giữa “rừng sách” hoặc một kho thư mục, nếu không có sẵn ý niệm về mục đích, chúng ta sẽ mệt mỏi trong việc mở từng cuốn để tìm. Bước đầu nên chọn tên sách nào “có tên” liên quan đến vấn đề của mình, sau đó hãy mở ra xem thêm phần giới thiệu, tiếp theo là đọc mục lục xem có phần nào nói đến vấn đề của mình chi tiết hơn không, nếu có, ta sẽ chọn lấy (nhớ trả tiền) cuốn sách đó, đọc kỹ và ghi chép những ý cần thiết, phù hợp với điều mình đang tìm kiếm.
- Mục lục của tài liệu: giúp người nghiên cứu chọn phần nội dung cần thiết mà không cần phải đọc hết cuốn sách.
III.- KẾT LUẬN.
Nhiệm vụ của huynh trưởng-giáo lý viên là góp phần giáo dục thiếu nhi bằng cách dạy giáo lý về cả hai phương diện siêu nhiên và tự nhiên, ngoài tinh thần đạo đức sâu sắc và đòi sống nhân bản gương mẫu, chúng ta cần  trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về giáo lý, Thánh Kinh, nhân bản, kỹ năng sinh hoạt.
Các khoá học và sa mạc huấn luyện cung cấp cho chúng ta kiến thức và sự rèn luyện căn bản, để trtở thành huynh trưởng-giáo lý viên. Nhưng để là huynh trưởng–giáo lý viên năng động, hiệu quả, không thể chỉ dừng lại ở các khoá học và sa mạc huấn luyện mà còn phải không ngừng học tập, nghiên cứu, rèn luyện suốt cả đời. Những vấn đề cần học hỏi và nghiên cứu là: Giáo Lý, Thánh Kinh, các văn văn kiện quan trọng của Giáo Hội liên quan trực tiếp đến hoạt động dạy Giáo Lý của chúng ta như  Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, Tông Huấn về Việc Dạy Giáo Lý, Hướng Dẫn Đại Cương về Việc Dạy Giáo Lý, Lịch Sử Giáo Hội, Sư Phạm giáo Lý, Linh Đạo Giáo Lý Viên…và những tài liệu liên quan trực tiếp đến Phong trào như Tài Liệu Huấn Luyện, Nội Quy Tổng Liên Đoàn, Nghi Thức TNTT, Chương Trình Thăng Tiến, Kỹ Năng Sinh Hoạt, Trò chơi, Bài hát…. Tất cả những tài liệu trích dẫn trên đây và nhiều tài liệu liên quan đang trong tủ sách riêng của chúng ta cũng như ngoài quầy sách không muốn “làm bạn” với mối mọt nhưng luôn chờ đón chúng ta “ghé mắt”.
Đọc sách, nghiên cứu là cái thú cho những người ham hiểu biết; là một nhu cầu không thể bỏ qua đối với huynh trưởng-giáo lý viên, đồng thời cũng là công việc nặng nhọc, đòi hỏi nhiều cố gắng và kiên trì. Nhưng đó cũng là niềm vui khó so sánh vì nó mở rộng tầm mắt, đào sâu suy tư, nhằm chuyển hoá và biến nó thành của mình trước khi dạy các em. Vậy trong việc giáo dục thiếu nhi, bài dạy của trưởng không phải là mớ kiến thức cũ được vay mượn và lắp ráp, cũng không phải là việc đọc lại thuộc lòng sách giáo khoa cho các em nghe, nhưng là chuyển lại cho các em sự tổng hợp và kết tinh kiến thức, suy tư, kinh nghiệm và cảm nghiệm của trưởng.
Nghiên cứu để gia tăng khả năng là việc của cả đời để cập nhật kiến thức hàng ngày và để biết mười dạy một.
CÂU HỎI XÂY DỰNG BÀI
1. Để dạy giáo lý bài 1. Bao đồng 3, cần chuẩn bị những tư liệu nào? Phần nào của tài liệu đó? Phải ghi nhận những chi tiết nào? Tiên liệu thắc mắc của các em, trưởng cần chuẩn bị tư liệu nào để hiểu và giải thích thoả đáng?
2. Để hiểu sâu rộng hơn bài Ơn Gọi và Sứ Mạng Huynh trưởng TNTT, bạn cần tìm thêm tài liệu ở đâu? Tài liệu ấy giúp gì cho bạn trong việc xác tín Huynh trưởng TNTT là một ơn gọi?